Đơn hàng xuất khẩu đầu năm 2024 có nhiều khác biệt

(PLO)- Sản xuất xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, mệnh lệnh của thị trường xuất khẩu trong năm 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày đầu năm 2024, nhiều đơn hàng xuất khẩu đã trở lại. Các doanh nghiệp (DN) Việt đang nỗ lực tái khởi động, tìm mọi cách để có thêm những đơn hàng mới trong thời gian tới để ổn định sản xuất, tránh thua lỗ và giữ chân người lao động.

Người tiêu dùng xu hướng sử dụng sản phẩm xanh nhiều hơn

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết thị trường đầu năm 2024 có thêm nhiều khác biệt. Cụ thể, vào thời điểm này đáng lẽ thị trường các sản phẩm mùa đông sẽ tăng nhưng hiện nay lại giảm. Theo thông lệ, kế hoạch sản xuất sẽ có trước ba tháng, hợp đồng ký theo quý nhưng hiện nay phần đa các DN may mặc chỉ ký hợp đồng theo tháng.

Đồng thời, nhu cầu của người tiêu dùng trong ngành dệt may cũng khác trước. “Khách hàng đặt hàng đột xuất, yêu cầu giao sớm với những mẫu mã sản phẩm khác biệt hơn. Bên cạnh những sản phẩm truyền thống, thị trường đòi hỏi những sản phẩm đa chi tiết, thiết kế độc đáo để thu hút người tiêu dùng” - ông Hồng nhận xét.

Đối với DN xuất khẩu đồ gỗ, ông Lê Mạnh, đại diện Công ty TNHH SX - TM - DV Leglor (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết đầu năm đơn hàng xuất khẩu đã quay trở lại với một số yêu cầu khác trước.

xuất
Doanh nghiệp muốn giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu thì phải có chiến lược chuyển đổi sản xuất xanh rất cụ thể để bắt kịp xu hướng mới. Ảnh: QUANG HUY

Các sản phẩm đồ gỗ trong nhà có thể ký những đơn hàng dài hạn, khoảng 10 tháng đến một năm. Còn những sản phẩm đồ gỗ ngoài trời thì hầu hết được đặt với số lượng nhỏ, giao hàng trong thời gian ngắn và ưu tiên giá bán rẻ hơn, hiện giá thấp hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ông Mạnh, xu hướng tiêu dùng mới hiện nay cũng thay đổi so với trước. Khách hàng ưa chuộng sản phẩm đồ gỗ nội thất đa chức năng, tích hợp nhiều ứng dụng và được sản xuất xanh, có thể tái chế.

Năm 2023, ngành gạo đã có một năm ấn tượng, xuất khẩu tăng mạnh, vị thế thương hiệu cũng được nâng tầm. Tuy nhiên, nhiều công ty xuất khẩu ngành gạo vẫn loay hoay với bài toán xuất khẩu.

Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cho hay giá bán cao khiến các DN chế biến, xuất khẩu gạo khó có khách hàng do không cạnh tranh về giá được. Hiện giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo Thái Lan cùng loại hơn 10 USD/tấn.

Xuất khẩu từng bước phục hồi trong năm 2024

Tổng cục Thống kê đã thực hiện cuộc khảo sát với các DN về tình hình đơn hàng xuất khẩu năm 2024, trong đó 22% số công ty khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 45% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 33% số công ty có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Về xu hướng quý I-2024, khoảng 24,6% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 46,8% số DN dự kiến ổn định và 28,6% số DN dự kiến giảm.

Nguyên nhân được cho là do giá lúa biến động, thêm việc không hợp đồng liên kết được với nông dân trồng lúa nên nhiều DN không dám ký hợp đồng lớn mà làm theo cách có bao nhiêu gạo trong kho thì đưa đi xuất khẩu bấy nhiêu.

Chia sẻ về cơ hội cho gạo Việt, ông Long nhận định thị trường xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ tăng nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro. Đặc biệt nếu Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới thay đổi chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì sẽ dẫn đến những biến động giá lớn trên thị trường.

Chính sách thuế, phí tiếp tục hỗ trợ DN vươn xa

Áp lực lớn nhất của các DN ngành dệt may là chi phí BHXH, BHYT. Do đây là ngành có thâm dụng lao động cao nhất trong các ngành sản xuất.

Vì vậy, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, đề xuất cần giãn thời gian đóng BHXH, BHYT cho DN sử dụng lượng lao động lớn.

Bởi theo ông Hồng, việc tạo điều kiện tạm dừng đóng BHXH giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì việc làm, bảo đảm các quyền lợi cho người lao động.

“Bên cạnh đó, đa số DN mong muốn chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) được kéo dài hết năm 2024 nhằm hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, giữ được giá thành cạnh tranh. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ DN tham gia các hoạt động hội chợ, triển lãm quốc tế để các DN xuất khẩu có thêm cơ hội mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới ở những thị trường lớn” - ông Hồng nói.

Đối với ngành gỗ, hai vấn đề về hoàn thuế giá trị gia tăng và quy định PCCC hiện đang khiến nhiều DN chế biến xuất khẩu đồ gỗ gặp khó khăn.

Còn theo ông Lê Mạnh, đại diện Công ty TNHH SX - TM - DV Leglor, sau hai năm nộp thủ tục xin hoàn thuế VAT, DN mới nhận được tiền. Do đó, ông Mạnh kiến nghị cơ quan thuế hoàn thiện thủ tục hồ sơ hoàn thuế VAT để vốn không bị chôn, tác động vào dòng tiền, tăng áp lực trả lãi vay ngân hàng.

Về quy định tiêu chuẩn PCCC hiện nay của Việt Nam bất hợp lý so với thực tế. Nhiều công ty gỗ không đạt tiêu chuẩn PCCC, do đó không đủ điều kiện được cấp phép chuẩn quốc tế nên không thể xuất khẩu.

“DN kiến nghị cơ quan chức năng sớm tháo gỡ những quy định PCCC thiếu phù hợp thực tế hoặc có hướng dẫn cụ thể để DN có thể đáp ứng các tiêu chuẩn đó” - ông Mạnh chia sẻ.

Trong khi đó, Tổng cục Thống kê thuộc Bộ KH&ĐT nhận định xuất nhập khẩu có nhiều cơ hội phục hồi và tăng trưởng khi hàng tồn kho tại nhiều nước đang dần khắc phục. Hơn nữa Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, sản xuất xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc, mệnh lệnh của thị trường. Bên cạnh giá cả, chất lượng, thời gian giao hàng thì xanh hóa là những tiêu chí cạnh tranh mà những thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu các nhà cung cấp phải đáp ứng. Vì vậy, nhà xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải vượt qua bài toán xanh trong hoạt động sản xuất.

Cạnh tranh về giá vẫn diễn ra gay gắt

TS Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, nhận định xuất khẩu năm 2024 sẽ từng bước phục hồi, nhu cầu thị trường dần trở lại ổn định. Tuy nhiên, có những yếu tố bất lợi vẫn hiện hữu như khủng hoảng địa chính trị lan rộng, suy thoái kinh tế thế giới, các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi.

Ngoài ra, sự cạnh tranh về giá từ quốc gia đối thủ, cạnh tranh ở thị trường nội địa vẫn diễn ra gay gắt với sự tham gia của nhiều thương hiệu, DN nước ngoài. Hành vi người tiêu dùng thay đổi. Chi phí đầu vào, logistics tăng cao…

Trong bối cảnh trên, TS Điền cho rằng DN muốn giữ và mở rộng thị trường xuất khẩu thì phải có chiến lược chuyển đổi sản xuất xanh rất cụ thể, trong đó không chỉ xanh về nguyên liệu, môi trường, lao động mà còn phải có tư duy hướng tới kinh tế tuần hoàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm