Ngày 12-7, tỉnh Đồng Nai tiếp tục Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khoá IX đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhiều nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm.
Ma túy, băng nhóm xã hội đen xu hướng phức tạp
Giải trình tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh- Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, về tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng trong đó có tội phạm ma túy, băng nhóm, xâm hại tình dục trẻ em.
Trong thời gian qua, công an tỉnh đã thực hiện triển khai, nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm đặc biệt là tội phạm ma túy và băng nhóm xã hội đồng thời mở hàng loạt chiến dịch kiểm tra các vũ trường, các quán bar “trá hình”, các quán karaoke. Tuy nhiên, các băng nhóm xã hội đen hoạt động ngày càng tinh vi, dẫn đến tình hình an ninh còn phức tạp.
Công an đột kích quán Bar tại TP Biên Hòa kiểm tra phát hiện 200 người sử dụng ma túy.
Do đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục chỉ đạo các công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, tránh tình trạng xâm phạm trẻ em như hiện nay; nắm tình hình, quản lý địa bàn đối với các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng có nguy cơ gây án…
Đại biểu Dương Hoà Hiệp, đơn vị huyện Thống Nhất hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm ma tuý.
Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, trong sáu tháng đầu năm, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 240 vụ với 1.012 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.
Số vụ phát hiện nói trên tuy có thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng tính chất, quy mô hoạt động của đối tượng nghiêm trọng, rộng lớn hơn, tình hình giới trẻ sử dụng ma túy đá có chiều hướng gia tăng. Công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện hiệu quả còn thấp, tỷ lệ người nghiện tái nghiện cao.
"Nguyên nhân của tình trạng buôn bán và sử dụng ma túy phức tạp là do sự xuất hiện ngày càng nhiều loại chất gây nghiện mới nhưng luật pháp chưa xử lý, nghiêm cấm kịp thời như: lá Khát, Cỏ Mỹ, Cỏ Ca... Một số gia đình người nghiện còn hiện tượng nuông chiều con em mình, dẫn đến bao che cho đối tượng. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, phạm vi hoạt động phạm tội ngày càng rộng", Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh cho biết.
Đề cập đến giải pháp cho tình hình mua bán và sử dụng ma tuý, quản lý người nghiện, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh cho rằng trước hết đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống ma túy, nhất là ở các địa bàn trọng điểm.
Vì sao di dời KCN Biên Hoà 1 chậm trễ?
Đại biểu Lê Ngọc Minh, Tổ đại biểu đơn vị TP Biên Hoà đặt câu hỏi việc di dời chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hoà 1 được Chính phủ chấp thuận 10 năm nay vì sao chậm trễ?
Vấn đề này Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hồ Văn Hà cho biết, chủ trương chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị thương mại dịch vụ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao cho Tổng Công ty Sonadezi tiến hành khảo sát, xây dựng phương án di dời, đồng thời UBND tỉnh không cấp dự án mới.
Tuy nhiên, do đây là dự án di dời khu công nghiệp đầu tiên cả nước, chưa có tiền lệ nên việc xây dựng đề án còn lúng túng, mất nhiều thời gian điều chỉnh đề án.
KCN Biên Hòa 1 được xây dựng từ năm 1963, tổng diện tích 323 ha. Trong ảnh: Một góc KCN Biên Hòa 1.
Để đẩy nhanh xử lý KCN Biên Hoà 1, UBND tỉnh Đồng Nai đang nghiên cứu về hình thức đầu tư, xem xét tính pháp lý để thống nhất phương án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có văn bản trình Ban thường vụ Tỉnh ủy ưu tiên lựa chọn phương án thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất diện tích KCN Biên Hòa 1 và triển khai Đề án trong thời gian sớm nhất...
“Đây là một dự án đặc thù có quy mô lớn, liên quan đến nhiều cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, người lao động và người dân, nên cần nhiều thời gian để triển khai thực hiện. UBND tỉnh cũng sẽ tập trung thực hiện đề án để sớm di dời, bàn giao mặt bằng nhằm thực hiện đấu giá đất trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hồ Văn Hà nói thêm.
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai tại Kỳ họp lần này, tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn tỉnh (GRDP) sáu tháng đầu năm tăng 8,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,5%). Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,09%; khu vực dịch vụ tăng 7,6%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,22%; thuế sản phẩm tăng 6,32%.