Đài phát thanh Deutsche Welle (Đức) ngày 19-8 nhận định như trên với dẫn chứng số liệu từ Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Điển). Số liệu cho thấy năm 2013, ngân sách quốc phòng Đông Nam Á đã tăng 5% (lên 35,9 tỉ USD) và dự kiến sẽ tăng đến 40 tỉ USD vào năm 2016.
Đài phát thanh Deutsche Welle đã phỏng vấn ba chuyên gia của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm gồm Giám đốc chương trình chi tiêu quân sự Sam Perlo-Freeman, Giám đốc chương trình sản xuất và chuyển nhượng vũ khí Aude Fleurant và nhà nghiên cứu cấp cao của chương trình chuyển nhượng vũ khí Siemon Wezeman.
Ba chuyên gia ghi nhận Thái Lan, Campuchia, Indonesia và Việt Nam đã tăng ngân sách quốc phòng khá mạnh trong những năm vừa qua. Thái Lan và Campuchia tăng ngân sách chủ yếu vì căng thẳng biên giới. Indonesia lo ngại bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc còn Việt Nam muốn tăng cường khả năng phòng vệ trước hành động của Trung Quốc.
Bắc Kinh dẫn đầu cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á.
Các chuyên gia nhận định không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn xung đột vũ trang xảy ra. Dù vậy, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục sử dụng ưu thế vượt trội về quân sự để tìm cách tạo ra các thực tế mới trên biển Đông và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực tranh chấp hơn. Đáp lại, các nước trong khu vực sẽ tiến hành ứng phó như củng cố năng lực quân sự và xây dựng quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ.
Theo các chuyên gia, sẽ là sai lầm nếu các nước Đông Nam Á trông cậy hoàn toàn vào Mỹ đồng thời cũng sẽ rất rủi ro nếu muốn tự lập trong công tác xây dựng năng lực quốc phòng. Đông Nam Á vẫn cần dựa vào cam kết bảo đảm an ninh của Mỹ cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ để duy trì ổn định khu vực. Tuy nhiên, các nước cũng cần tự phát triển năng lực quân sự.
Một số nước Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ viện trợ quân sự của Mỹ dưới hình thức bán vũ khí, ví dụ như Mỹ đã hứa bán tàu tuần duyên cũ cho Philippines. Mỹ cũng đã phát tín hiệu sẵn sàng hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và có thể sẽ bán máy bay trinh sát biển cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia, mua sắm vũ khí là hoạt động bình thường để củng cố sức mạnh vũ trang nhằm ứng phó với các mối đe dọa mới. Dù vậy, mua sắm vũ khí hoặc mở rộng hải quân và không quân ở Đông Nam Á có thể vượt khỏi tầm kiểm soát khi cơ chế đàm phán giải quyết tranh chấp quốc tế trong khu vực vẫn còn yếu. Các chuyên gia nhận định nguy cơ chiến tranh toàn diện vì tranh chấp biển Đông rất nhỏ nhưng rủi ro về các biến cố không lường trước lại gia tăng.
THẠCH ANH