Hầu hết mọi người đều được bảo hộ nếu phải làm việc trong môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe. Ví dụ công nhân xây dựng thì mang mũ bảo hiểm, công nhân vệ sinh thì có khẩu trang và áo phản quang, lính chữa cháy được trang bị áo chống nóng và máy thở…
Tuy nhiên, điều này không được áp dụng với những người làm trong một dạng công việc đặc biệt của bang California (Mỹ) - ngành công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm.
Giữa tuần rồi, Cơ quan An toàn Nghề nghiệp và Ban Tiêu chuẩn Sức khoẻ bang California (Mỹ) đã bác bỏ một đề xuất yêu cầu ngành công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm phải đồng ý cho nam diễn viên được mang bao cao su khi đóng phim.
Anh Derrick Burts, môt nam diễn viên phim khiêu dâm suy sụp sau khi biết mình đã bị nhiễm HIV khi đóng phim khiêu dâm. (Ảnh: THE INDEPENDENT)
Theo hãng tin AP (Mỹ), lý do được cho là vì hai cơ quan này chịu áp lực từ những nhà sản xuất phim khiêu dâm, rằng sẽ không ai coi loại phim này nữa một khi nam diễn viên mang bao cao su trong khi diễn.
Nội dung đề xuất này đã được tổ chức phi lợi nhuận AIDS Healthcare Foundation – Mỹ, hoạt động hỗ trợ bệnh nhân AIDS – vận động nhiều năm nay. AIDS Healthcare Foundation muốn ngành y tế bang California buộc những nhà sản xuất phim khiêu dâm phải thực hiện những biện pháp khắt khe hơn nữa trong bảo vệ an toàn cho diễn viên.
Một trong những thành viên tham gia vận động tích cực nhất là cựu diễn viên phim khiêu dâm Derrick Burts, bị nhiễm HIV khi đóng phim. “Công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm đã đánh gục tôi. Họ đưa tôi vào tình huống tôi bị nhiễm HIV, và sau khi tôi bị chẩn đoán nhiễm HIV thì họ chẳng làm gì để giúp đỡ tôi.” - Derrick Burts chia sẻ với báo The Independen (Anh) trong một chiến dịch vận động năm 2010.
Anh Derrick Burts trong một chiến dịch vận động để nam diễn viên phim khiêu dâm được mang bao cao su khi diễn. (Ảnh: THE INDEPENDENT)
Lý lẽ của các nhà sản xuất là biện pháp này sẽ phá huỷ ngành công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm trị giá hàng tỉ USD. Họ nói rằng họ đã thử sản xuất phim khiêu dâm trong đó cho nam diễn viên mang bao cao su khi diễn và hậu quả là những phim này không được khán giả đón nhận.
Quyết định của bang California một lần nữa khơi dậy cuộc tranh luận căng thẳng về những thách thức mà ngành công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm đặt ra cho cuộc chiến chống lại sự lây lan của căn bệnh HIV/AIDS cũng như những bệnh lây qua đường tình dục khác.