Chiều 3-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu năm 2024.
Tổng nguồn tối thiểu năm 2024 tăng hơn 2,4 triệu m3/tấn
Tại cuộc họp, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho biết căn cứ vào kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023 và đăng ký tổng nguồn của các doanh nghiệp năm 2024; khả năng nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024.
Theo đó, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 tổng cộng khoảng 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. So với năm 2023 tổng nguồn xăng dầu các loại ước khoảng 26,02 triệu m3/tấn xăng dầu thì năm 2024 tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được cân đối tăng thêm 2,4 triệu m3/tấn.
Chia sẻ cụ thể từ các doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cho biết năm 2024, Tập đoàn được Bộ Công Thương phân giao 1,5 triệu m3/tấn. So với sản lượng xuất bán của tập đoàn năm 2023 thì con số này tăng 12%. Đối với mặt hàng dầu diesel Bộ Công Thương phân giao tăng 22% so với sản lượng xuất bán của tập đoàn năm 2023.
Ông Trần Phú Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội cho biết, năm 2024 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch tăng 30% so với kế hoạch năm 2023, tăng 18% so với thực hiện của năm 2023.
Cần có phương án tình thế, dự phòng
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2024, dự báo nhu cầu xăng dầu trong nước sẽ còn tăng, thậm chí tăng đột biến. Trong khi đó, bối cảnh thế giới thì còn nhiều khó lường, nguồn cung giá cả vật tư chiến lược rất khó đoán định.
“Cần có một phương án tình thế, dự phòng để trong mọi tình huống chúng ta thực hiện được mục tiêu của mình… Trong mọi tình huống, không được để thiếu nguồn cung xăng dầu, không được để đứt gãy, kể cả là cục bộ” - Bộ trưởng Diên nói.
Từ đó, người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao, có kế hoạch triển khai theo tháng, quý.
Từ hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp chủ động phản ánh đề xuất cơ chế chính sách hoặc các giải pháp tình thế, đặc thù để có thể đối phó một cách hiệu quả với diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới và phải có trách nhiệm với những kiến nghị đề xuất đó.
Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành mặt hàng xăng dầu. Đặc biệt là việc chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh xăng dầu. Tiến hành việc thanh kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Chính phủ, trong khi chưa sửa toàn diện Nghị định 83, 95, 80 về kinh doanh xăng dầu thì có thể xem xét xử lý một số tình huống khẩn cấp nếu có, những vướng mắc, bất cập theo cơ chế thị trường.