“Nâng cao năng lực y tế cơ sở TP.HCM” vừa được bình chọn là một trong 12 sự kiện và hoạt động tiêu biểu trong năm 2023 ở TP.HCM.
Nổi bật trong sự kiện này là chương trình thí điểm thực hành 18 tháng tại bệnh viện (BV) gắn liền với trạm y tế (TYT) dành cho các bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp do Sở Y tế TP.HCM tổ chức vào tháng 2-2022. Chương trình đã tạo điều kiện cho các BS mới tốt nghiệp tiếp cận chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Lo bệnh nhi phải đi xa
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yên Thương (26 tuổi) sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) đã tham gia chương trình thí điểm của Sở Y tế TP.HCM nói trên. Sau đó, BS Thương được tăng cường về TYT phường 9, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Bác sĩ Thương cho biết thời gian đầu, do chưa quen việc và cách làm ở TYT, trang thiết bị lại thiếu thốn nên anh gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc chán nản và muốn bỏ cuộc.
“Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, của anh chị ở TYT và quan trọng là tôi thấy người dân tại đây thật sự cần được chăm sóc sức khỏe nhiều hơn nên tôi quyết định ở lại” - bác sĩ Thương trải lòng.
Sau khi hoàn thành chương trình thí điểm thực hành 18 tháng, bác sĩ Thương được Sở Y tế TP.HCM cấp chứng chỉ hành nghề. Tháng 8-2023, bác sĩ Thương chọn làm việc tại khoa Nhi BV quận 12, TP.HCM.
Ngoài môi trường làm việc thân thiện, một lý do khác khiến bác sĩ Thương chọn làm ở BV này đó là có thể giúp nhiều trẻ nhỏ giảm được nguy cơ rủi ro khi đau ốm, đặc biệt bị nặng nếu chuyển lên BV tuyến trên bởi đường xa và kẹt xe.
Sau hơn ba tháng tham gia chăm sóc và điều trị cho trẻ nhỏ tại BV quận 12, BS Thương đã quen với tiếng khóc của trẻ khi tiêm thuốc, quen với tiếng nói bi bô của trẻ khi khỏi bệnh.
Bác sĩ Thương còn biết cách dụ trẻ uống thuốc, lấy máu xét nghiệm… “Tôi xem bệnh nhi như cháu ruột của mình nên đặt trọn tình thương, trách nhiệm mỗi khi khám và điều trị cho các cháu” - bác sĩ Thương chia sẻ.
Nhận xét về sự đóng góp của bác sĩ trẻ Nguyễn Hoàng Yên Thương, ông Nhan Tố Tài, Giám đốc BV quận 12, TP.HCM, cho biết: “Chỉ hơn ba tháng công tác tại khoa Nhi BV này, bác sĩThương đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự cầu tiến. Ngoài chia sẻ công việc với đồng nghiệp, bác sĩ Thương còn luôn học hỏi những kinh nghiệm quý báu của đàn anh, đàn chị, áp dụng vào công việc để đạt kết quả tốt hơn”.
Không thể rời bỏ bà con vùng quê
BS Ngô Minh Nhật (26 tuổi) cũng tham gia chương trình thí điểm và được tăng cường về TYT xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM vào tháng 2-2022.
BS Nhật chia sẻ: “Trước đây, tôi ít có dịp tiếp xúc với người dân nên những ngày đầu không khỏi bỡ ngỡ khi tham gia công tác cộng đồng cùng TYT. Thế nhưng chỉ trong thời gian ngắn gần gũi với người dân, ăn những món dân dã đồng quê, tôi thấy mình đã thành người địa phương. Chính điều này đã giữ chân tôi suốt 18 tháng thực hành ở TYT xã Bình Hưng”.
Sau 18 tháng thực hành tại TYT, BS Nhật đúc kết nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết, tay-chân-miệng và khám chữa bệnh.
18 tháng thực hành cũng là 18 tháng thử thách các bác sĩ mới ra trường khi phải đối diện với những khó khăn, thiếu thốn. Rất nhiều bác sĩ vượt qua nhưng cũng không ít BS đã bỏ cuộc. Nhưng với bác sĩ trẻ Ngô Minh Nhật, quãng thời gian đó là một trải nghiệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mình.
“Sau khi hoàn thành chương trình thí điểm, tôi xin về TYT xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh để làm việc lâu dài. Bởi các BV hiện quá đông bác sĩ, trong khi TYT lại thiếu BS. Bà con xã Bình Hưng luôn mong muốn có nhiều bác sĩ để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn” - bác sĩ Nhật trải lòng.
“Tôi chính thức về công tác tại TYT xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hơn ba tháng. Với tôi, TYT này là ngôi nhà thứ hai, đã quen thuộc với bà con trong xã nên tôi không thể rời đi” - bác sĩ Nhật chia sẻ.
Nói về sự dấn thân của bác sĩ trẻ Ngô Minh Nhật, bà Lê Thị Kiều Ngân, Trạm trưởng TYT xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM, cho biết từ khi bác sĩ Nhật về TYT xã Bình Hưng khám chữa bệnh cho bà con và tham gia phòng, chống dịch bệnh, công việc của nhân viên TYT được chia sẻ rất nhiều, bà con cũng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
“Thấu hiểu được nỗi vất vả của nhân viên TYT xã Bình Hưng và nghe được tiếng thở dài của bà con trong xã phải đi khám chữa bệnh xa nên bác sĩ Nhật đã về đây làm việc” - bà Ngân nhận xét.
Nghiên cứu chính sách thu nhập cho bác sĩ trẻ
Rất đông bác sĩ trẻ hoàn thành chương trình thí điểm đã chính thức bước vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân. Các bác sĩ trẻ tiếp tục dấn thân, rèn luyện để thành công trong sự nghiệp.
Sở Y tế TP.HCM sẽ nghiên cứu và đề xuất thêm những cơ chế, chính sách mới, đặc biệt là chính sách thu nhập và đào tạo chuyên khoa cho bác sĩ trẻ chọn về BV quận, huyện, trung tâm y tế hoặc TYT làm việc.
Nói như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, một chương trình thí điểm nhưng mang lại hai kết quả. Đó là chúng ta vừa hỗ trợ tuyến y tế cơ sở, vừa cung cấp nhân lực cho các BV tuyến cuối.
PGS-TS-BS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM