Đưa hàng vào Saigon Co.op có cần… chung chi không?

“Khi tôi hỏi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) có muốn đưa hàng vào siêu thị Co.opmart không thì hầu hết họ đều sợ! Sợ chi phí cao, tiền lobby cao, công nợ cao…”.

Đó là phát biểu thẳng thắn của ông Nguyễn Quang Nghĩa, công ty chuyên mở rộng thị trường tại buổi “Hướng dẫn phát triển bán hàng tại hệ thống bán lẻ Saigon Co.op dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức mới đây.

“Sợ” đưa hàng vào siêu thị

Ông Nguyễn Quang Nghĩa hỏi tiếp: Bây giờ tôi chỉ hỏi hai câu là Saigon Co.op có còn chỗ cho các DN mới vào không? Vì tôi thấy hiện tại siêu thị quá kín mà hàng nước ngoài lúc nào cũng dày, có vị trí đẹp hơn hàng Việt, hàng Việt nằm trong hóc.

Thứ hai tôi có ý tưởng Saigon Co.op dành cho các SME góc nhỏ để trưng bày sản phẩm mới không?

Tương tự bà Hằng, DN chuyên về sản xuất bột rau má (Củ Chi) thẳng thắn đặt vấn đề: Tôi nghe thông tin từ các anh chị trong hội thanh niên khởi nghiệp kể trước đây làm nấm, cung cấp cho Co.op mart và cho để công nợ. Sau đó ngưng hợp tác thì không lấy được công nợ.

Tôi có sự cảnh giác khi nghe kể và sau đó gặp một nhà cung cấp đường, họ cho biết Saigon Co.op làm ăn rất đàng hoàng. Nên tôi muốn hỏi thực tế việc thanh toán tiền hàng như thế nào để định hình đúng về Saigon Co.op.

“Không có chuyện chung chi”

Trả lời những thắc mắc này, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nói: Tôi xin khẳng định hiện nay Saigon Co.op đang kinh doanh 350 ngàn mã hàng, một tháng có 1.700 mặt hàng mới vào siêu thị. Nếu nói khó vào siêu thị thì làm sao có số lượng hàng mới vào như vậy được.

“Tôi nghĩ quy trình vào siêu thị ở các hệ thống khác cũng vậy. Để tìm ra sản phẩm chất lượng tốt nhất, đảm bảo kinh doanh tốt nhất tại hệ thống mình”, ông Nhân nói.

Ông Nhân hoan nghênh những câu hỏi trên và giải thích: Với hệ thống chào hàng ở Saigon Co.op không một ai có quyền quyết định được. Saigon Co.op đã thành lập Phòng giao dịch nhà cung cấp, đơn vị này làm nhiệm vụ tiếp nhận tất cả thông tin chào hàng một cách minh bạch, rõ ràng.

Phòng này không quyết định chuyện hàng có vào được siêu thị hay không, họ dựa vào thông tin nhà cung cấp, phân tích thị trường…

Sau đó ra khuyến nghị, rồi gửi cho Phòng kinh doanh, cùng với khảo sát riêng, đặc biệt ứng với tình hình kinh doanh của đơn vị để ra quyết định. Và Phòng kinh doanh chịu trách nhiệm về quyết định này.

Sau đó, Phòng kinh doanh chuyển đến Phòng kế hoạch tổng hợp, chuyên xử lý tất cả dữ liệu, họ có bộ phận phân tích dữ liệu để làm…

Đối với Saigon Co.op tất cả hàng hóa kinh doanh đều đưa vào phân tích hết. Với ba bộ phận làm việc như vậy nên không có chuyện chung chi cho ông nào được. Nhà cung cấp đừng nghe thông tin đồn đoán này kia.

“Bên cạnh đó, có nhà cung cấp phản ảnh những “ông cò” nói có “mối quan hệ” thông qua họ mới vô được siêu thị, chứ nhà cung cấp đi trực tiếp không vô được! Theo tôi, không có chuyện đó đâu. Nhà cung cấp nào gặp được “ông cò” báo trực tiếp cho Saigon Coop. Với ba bộ phận kiểm tra như vậy thì những thông tin trên các nhà cung cấp xem xét đừng nghe tin đồn không có thật như vậy”, ông Nhân giải thích.

Đó cũng là lý do vì sao trong hồ sơ chào hàng Saigon Co.op yêu cầu phải có giấy giới thiệu của đơn vị đó. Chúng tôi đề nghị nếu DN cho rằng việc đưa hàng vào kênh hiện đại là quan trọng thì cần dành thời gian cho nói.

Về công nợ, theo ông Nhân, Saigon Co.op sẵn sàng gặp nhóm nhà cung cấp cùng trao đổi để biết được mình có lỗi hay không sẽ nhận trách nhiệm, giải quyết ngay. Nhưng tin chắc rằng không có trục trặc nào mà không được giải quyết thấu đáo. Tôi khẳng định xuyên suốt chủ trương của SGC là hạch toán minh bạch, rõ ràng. Đặc biệt với nhà cung cấp mà cung cấp hàng nông sản thì càng hỗ trợ hơn.

Chẳng hạn, những dịp cao điểm, Saigon Co.op thanh toán nhanh cho các đơn vị cung cấp hàng tươi sống trong chương trình bình ổn. Thậm chí hàng tuần thực hiện thanh toán tạo điều kiện cho DN chuẩn bị nguồn hàng tốt.

Hàng năm Saigon co.op cung ứng khoản tiền để các nhà cung cấp tham gia bình ổn đủ vốn để chuẩn bị nguồn hàng nhất là đối với các nhà cung cấp nhỏ, như năm rồi Saigon Co.op chuẩn bị 60 tỉ đồng để làm việc đó.

Ông Lâm Khải, đại diện Công ty Pomelo chuyên sản xuất trái cây sấy cho biết nhiều giải đáp từ Saigon Co.op đã “giải tỏa” cho DN chúng tôi những “truyền thuyết” về tiền bạc, chi phí lobby… vì đây là những trở ngại khiến cho DN SME sợ khó tham gia vào hệ thống Saigon Co.op

 

Saigon Co.op có còn chỗ cho DN mới không? Ông Nhân cho rằng chỗ thì luôn luôn còn, kinh doanh bất kỳ ở đâu cũng vậy có hàng ra hàng vào. Vì hàng không có hiệu quả phải đi ra, đây là nguyên tắc.

Mặt hàng nào mang lại hiệu quả hơn, đáp ứng đúng xu hướng thị trường hơn thì phải đưa vào. Sản phẩm mới có đảm bảo đem lại lợi nhuận doanh thu tốt hơn sản phẩm đã có trong siêu thị chưa… Do đó quan trọng là DN có thể cạnh tranh được không.

Đại diện Saion Co.op cho hay dù bán ở bất cứ điểm nào trong hệ thống thì tất cả tiêu chí ATTP, tiêu chuẩn chất lượng đặt lên hàng đầu. Saigon Co.op đang có 1.700 nhà cung cấp, đang ký hợp đồng trực tiếp và 300 nhà cung cấp ký hợp đồng với các Co.opmart.


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm