Đức đề nghị EU trừng phạt ngành năng lượng hạt nhân của Nga

(PLO)- Đức mong muốn gói trừng phạt sắp tới của EU nhắm vào Nga sẽ bao gồm ngành năng lượng hạt nhân của Moscow.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 17-4, Bộ Kinh tế Đức cho biết nước này đã đề nghị Ủy ban châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ngành năng lượng hạt nhân của Nga, theo đài RT.

“Chính phủ liên bang đã trao đổi với Ủy ban châu Âu về việc ủng hộ đưa lĩnh vực hạt nhân dân sự của Nga vào gói trừng phạt sắp tới của Liên minh châu Âu (EU)” - tuyên bố cho hay, đồng thời nhấn mạnh EU không nên “né tránh hành động quyết đoán trong vấn đề này”.

Đức đề nghị EU trừng phạt ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Ảnh: Erik Romanenko/TASS

Đức đề nghị EU trừng phạt ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Ảnh: Erik Romanenko/TASS

Tuy nhiên, các thành viên EU vẫn còn chia rẽ về ý tưởng trên và khối này cho đến nay vẫn chưa đưa nhiên liệu hạt nhân vào các gói trừng phạt nhằm vào Nga.

Vào cuối tuần qua, Đức đã đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng ở nước này, bất chấp những lời kêu gọi mở rộng nhà máy trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao.

Trước đó, năm nước trong G7 (nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới), bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Nhật và Pháp, tuyên bố sẽ phát triển chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân mà không có sự tham gia của Nga - một trong những nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới và cung cấp khoảng 20% uranium tự nhiên cho các lò phản ứng của châu Âu vào năm 2020.

Cả EU và Mỹ đều không trừng phạt lĩnh vực hạt nhân dân sự của Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.

Cho đến nay, EU đã áp đặt 10 gói trừng phạt lên nền kinh tế của Nga, trong đó có biện pháp nhắm vào lĩnh vực dầu khí của nước này. Tuy nhiên, đài RT nhận định gói trừng phạt thứ 11 sắp tới có thể sẽ khó có thể thông qua do Hungary tuyên bố sẽ phản đối biện pháp trừng phạt lên năng lượng hạt nhân của Moscow.

Hungary nhập khẩu uranium từ Nga và giới chức năng lượng nước này đang làm việc với Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom về khả năng tăng tốc quá trình mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks của Hungary.

Trước đây, Budapest đã nhiều lần lập luận rằng các biện pháp trừng phạt của EU đã không làm suy yếu nền kinh tế Nga trong khi gây tổn hại cho nền kinh tế châu Âu.

Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định năng lượng hạt nhân của Nga đóng vai trò rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của nước này.

Trong khi đó, Pháp cũng đang tìm cách mở rộng hợp tác với tập đoàn Rosatom mặc dù lập trường của Paris về việc trừng phạt công ty này không rõ ràng. Vào hôm 15-4, Quốc vụ khanh phụ trách kinh tế của Đức Sven Giegold viết trên Twitter rằng Berlin sẽ “cố gắng thuyết phục” Paris đi theo đề xuất của nước này và cắt đứt quan hệ với Nga trong vấn đề nhập khẩu uranium.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm