Ba cựu thành viên của lực lượng cảnh sát mật Syria đang bị bắt giam tại Đức và Pháp với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người.
Tờ Telegraph ngày 13-2 đưa tin, các công tố viên Đức ra tuyên bố cho biết nước này đang bắt giữ hai nghi phạm là cựu thành viên của lực lượng cảnh sát mật Syria với cáo buộc thực hiện tội ác chống lại loài người.
Nghi phạm đầu tiên, 42 tuổi, có tên Eyad A bị cáo buộc là tòng phạm trong vụ sát hại hai người, tra tấn và lạm dụng thân thể ít nhất 2.000 người.
Ảnh chân dung Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ảnh: REUTERS
Người thứ hai là cựu sĩ quan chỉ huy Anwar R, 56 tuổi, vì nghi ngờ có liên quan tới tra tấn và lạm dụng thân thể với tư cách là sĩ quan cao cấp trong lực lượng cảnh sát mật của chính quyền Tổng thống Assad.
Nghi phạm thứ ba là cấp dưới của Anwar R, không được nêu tên, đang bị bắt giữ tại Pháp như một phần trong chiến dịch phối hợp, giới công tố viên Đức cho biết.
Các vụ bắt giữ diễn ra sau nhiều tháng nỗ lực phối hợp của các nhà hoạt động để đưa ra truy tố trước tòa án Đức về những tội ác trong cuộc nội chiến ở Syria.
Đây là những vụ bắt giữ đầu tiên của phương Tây đối với quan chức chính quyền Tổng thống Assad với cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người.
Theo truyền thông Đức, hai nghi phạm bị bắt ở Đức đều xin tị nạn ở nước này sau khi rời khỏi Syria, còn Anwar R dường như chẳng tỏ ý muốn che đậy quá khứ của mình.
Các công tố viên cho rằng Anwar R là một sĩ quan cao cấp của Tổng cục Tình báo Syria, giữ chức lãnh đạo Cục Điều tra khu vực ở Damascus.
Theo công tố viên Đức, những tù nhân mà Cục này bắt giữ "bị tra tấn tàn bạo trong quá trình tra khảo".
Trong khi đó, Eyad A bị cáo buộc phục vụ trong một đơn vị đặc biệt có nhiệm vụ xác định những kẻ đào ngũ và những người biểu tình chống chính quyền. Vào mùa hè năm 2011, Eyad A làm việc một tháng tại chốt kiểm soát ở ngoại ô Damascus, nơi có khoảng 100 người bị bắt mỗi ngày, sau đó bị đưa đến nhà tù của Anwar R và bị tra tấn.
Eyad A cũng tham gia các vụ đột kích vào nhà riêng, căn hộ và vây bắt những người biểu tình chạy trốn sau khi bạo lực nổ ra năm 2011.
Cả hai người đã trốn sang Đức vào năm 2012 và Anwar R dường như tin rằng quyết định từ bỏ chính quyền Assad đủ để bảo vệ ông ta, theo tạp chí Spiegel.
Một phụ nữ nhìn vào các bức ảnh của các thi thể tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York năm 2015. Ảnh: REUTERS
Giới chức Đức cho hay họ đang điều tra hàng chục cựu quan chức Syria khác theo nguyên tắc “quyền tài phán phổ quát”, trong đó cho phép các tòa án xét xử các cá nhân bị tình nghi phạm tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh, theo BBC.
Năm ngoái, các công tố viên Đức đã phát lệnh bắt giữ quốc tế đối với Jamil Hassan, người đứng đầu cơ quan tình báo không quân Syria. Họ cáo buộc ông giám sát việc tra tấn, cưỡng hiếp và sát hại hàng trăm người trong thời gian từ năm 2011 đến 2013.
Chính phủ Syria lúc đó đã phủ nhận giam giữ tù nhân chính trị cũng như tra tấn và sát hại tù nhân.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong một báo cáo hồi tháng 3-2018 cho hay lực lượng chính phủ Syria và các lực lượng dân quân có liên hệ đã giam giữ tùy tiện và bất hợp pháp hàng chục ngàn cá nhân trong các trung tâm giam giữ chính thức và tạm thời.
“Các tù nhận chịu đựng nhiều hình thức tra tấn dã man và sống trong điều kiện vô nhân đạo nghiêm trọng. Nhiều người đã chết khi bị giam giữ, trong khi số khác bị hành hình ngay lập tức mà không qua xét xử” – báo cáo nêu rõ.
Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, thi thể những người bị bắt giữ hiếm khi được trả về cho gia đình và họ cũng không nhận được thông báo mai táng. Vì thế, hài cốt của những người này ở đâu đến nay vẫn chưa rõ.
Mạng lưới nhân quyền Syria (SNHR) hồi tháng 8-2018 cho hay họ đã ghi nhận cái chết của hơn 13.600 người do bị tra tấn trong các nhà tù được vận hành bởi các bên tham chiến ở Syria, trong đó hơn 90% trường hợp xảy ra trong các cơ sở giam giữ do chính phủ điều hành.