Liên Hiệp Quốc tăng nhiệt vì chiến sự Syria

Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa đích thân lái ô tô vào Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus (Syria). Sự việc diễn ra ngày 17-3 và được công bố sáng sớm 19-3, sau khi quân đội Syria tuyên bố chiếm được 80% Đông Ghouta mà phe nổi dậy (FSA) kiểm soát từ năm 2013. Ông Assad đã ghi lại hình ảnh mình lái chiếc ô tô trên đường phố Đông Ghouta, không thấy hình ảnh bảo vệ đi kèm và cũng không được người dân nào phát hiện. Ông Assad tự tin chính phủ Syria vẫn được người dân Đông Ghouta ủng hộ. Gặp gỡ binh sĩ chính phủ Syria và người dân tại trung tâm Đông Ghouta, ông Assad đã chỉ đạo các chỉ huy quân đội tránh gây thương vong cho dân thường.

Tám nước đề nghị hành động

Hình ảnh yên bình trong chuyến đi của ông Assad trái ngược với những diễn biến hơn một tháng qua. quân chính phủ Syria đẩy mạnh không kích, tấn công phe nổi dậy tại đây. Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), hơn 1.250 dân thường đã chết, 20.000 người phải sơ tán. Trong ngày 19-3 đã có thêm một trường học trúng bom được cho là do máy bay Nga không kích. Vụ việc khiến 15 trẻ em thiệt mạng, 50 người khác bị thương, theo tổ chức Quan sát nhân quyền Syria.

Đông Ghouta hơn một tháng qua trở thành chủ đề nóng tại Hội đồng Bảo an (HĐBA). Trong phiên họp ngày 19-3, đã có tám trong 15 nước thành viên HĐBA chấp bút gửi thư đề nghị HĐBA có hành động kiên quyết ngay lập tức nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn ở Syria. Tám nước có đại diện phái đoàn tại LHQ cùng ký tên trong lá thư chung này là Mỹ, Pháp, Anh, Thụy Điển, Hà Lan, Ba Lan, Kuwait và Peru.

Động thái này diễn ra sau khi nghị quyết ngừng bắn HĐBA thông qua ngày 24-2 nhằm tạo điều kiện viện trợ nhân đạo và cứu chữa người bị thương không được thực hiện. Bất mãn với điều này, phía Mỹ đã đề xuất một dự thảo nghị quyết ngừng bắn khác nhưng chưa được bỏ phiếu. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng yêu cầu các bên ngừng bắn để cứu trợ nhân đạo nhưng cũng không thành công.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Ra’ad al-Hussein. Ảnh: GETTY IMAGES

Cao ủy Nhân quyền lên án chính quyền Syria

Tại một cuộc gặp không chính thức của HĐBA ngày 19-3, Cao ủy Nhân quyền LHQ Zeid Ra’ad al-Hussein lên án chính phủ Syria phạm nhiều tội ác chiến tranh, sử dụng vũ khí hóa học và đẩy người dân đến chỗ đói khát như một loại vũ khí chiến tranh trong năm năm phong tỏa Đông Ghouta.

62 nước thành viên LHQ từng ủng hộ dự thảo nghị quyết do Pháp khởi xướng, đề nghị đưa vấn đề nội chiến Syria ra ICC vào năm 2014. Tuy nhiên, quyết định này đã bị Nga và Trung Quốc từng bỏ phiếu phủ quyết, theo Reuters

Cả Syria và Nga đều xác định chiến dịch đánh phe nổi dậy là chống khủng bố. Trong khi đó, ông Ra’ad al-Hussein nhận định trước giờ chưa hề có chiến dịch quân sự chống khủng bố nào lại gây thương vong lớn cho dân thường như ở Syria chỉ trong vài tháng qua. Ông Ra’ad al-Hussein thậm chí đề nghị HĐBA đưa chính phủ Syria ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Theo hãng tin DW (Đức), sở dĩ ông Ra’ad al-Hussein phải phát biểu trong cuộc gặp không chính thức vì trước đó Nga đã ngăn ông phát biểu ở cuộc gặp chính thức trước đó của HĐBA. Ban đầu ông Ra’ad al-Hussein định sẽ phát biểu điều này trong phiên họp chính thức. Tuy nhiên, Phó Đại sứ Nga tại LHQ Gennady Kuzmin phản đối rằng điều ông Ra’ad al-Hussein muốn nói là chuyện của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva, không phải của HĐBA vốn đảm trách bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế. Quan điểm này của Nga bị Pháp và Anh chỉ trích dữ dội nhưng không thay đổi được kết quả.

Sau động thái của Nga, các nước phương Tây nhanh chóng thiết kế một cuộc họp không chính thức HĐBA để nghe ý kiến ông Ra’ad al-Hussein.

Thị trấn Afrin thuộc tỉnh Aleppo ở phía Bắc cũng là một điểm nóng nữa tại Syria. Sau tám tuần thực hiện chiến dịch “Cành ô liu” bất chấp chỉ trích từ Mỹ và châu Âu, ngày 18-3, quân Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh phe nổi dậy Syria (FSA) đã kiểm soát hoàn toàn Afrin từ lực lượng tay súng người Kurd (YPG).

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 19-3, Tổng thống Recep Erdogan tuyên bố chiến dịch “Cành ô liu” sẽ chưa dừng ở Afrin. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở rộng chiến dịch sang các khu vực người Kurd khác ở Syria như thị trấn Manbij và phía Đông sông Euphrates, cũng như ở nước Iraq láng giềng. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Syria ngày 19-3 đã gửi thư lên HĐBA nhằm lên án Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Afrin và đề nghị nước này rút quân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm