Đừng biến đảo ngọc Phú Quốc thành đảo ngập

(PLO)-  Các chuyên gia cho rằng không nên xây dựng thiếu quy hoạch biến Phú Quốc từ đảo ngọc thành đảo ngập, mà nên tận dụng thế mạnh hệ sinh thái nguyên sơ để xây dựng Phú Quốc thành một đô thị du lịch đặc thù.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-8, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Tập đoàn Tân Á Đại Thành - Meyland đã tổ chức Hội thảo Không gian đô thị Phú Quốc: Sự dịch chuyển mạnh mẽ của xu hướng đầu tư mới.

Tại hội thảo, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay 20 năm qua, mặc dù quy hoạch Phú Quốc đã được điều chỉnh nhiều lần nhưng vẫn hướng đến mục tiêu chính đưa Phú Quốc trở thành một TP đóng vai trò trọng yếu về phát triển kinh tế trong nước, đồng thời là một trung tâm phát triển của khu vực và quốc tế.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT

Theo đó, Phú Quốc tương lai được định vị là khu kinh tế - hành chính đặc biệt, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn sự đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.

Ông cho hay với lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái nguyên sơ nếu “tìm được bước đi cụ thể”, Phú Quốc có thể từng bước đạt được các mục tiêu trên.

Như vậy, việc phát triển Phú Quốc cần phải tận dụng thế mạnh của hòn đảo này là hệ sinh thái, môi trường nguyên sơ. Có thể xây dựng một thành phố sử dụng toàn năng lượng tái tạo tại chỗ để sản xuất điện, điện từ gió biển, từ thủy triều, từ sóng biển. Giao thông chỉ sử dụng xe chạy động cơ điện. Các bất động sản nhà ở hay du lịch đều tuân thủ tiêu chuẩn đô thị “xanh”. Hướng người dân địa phương phát triển các công trình, môi trường xanh - mô tả được đây là hòn đảo môi trường sạch điển hình trên thế giới…

“Đầu tiên nên làm như vậy mới kéo giá trị gia tăng của du lịch, sau đó mới tính đến bước phát triển các khu đô thị hiện đại. Đây chính là điểm độc và lạ của thành phố Phú Quốc thu hút nhiều du khách nước ngoài” - ông nói.

Không nên biến đảo ngọc Phú Quốc thành đảo ngập

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) nhận định Phú Quốc có tiềm năng là một viên ngọc, nhưng nếu mài không cẩn thận, ngọc cũng sẽ "tối", không phát huy được giá trị vốn có.

“Chúng ta không nên biến Đảo Ngọc thành đảo ngập. Tôi cho rằng, cần đặt ra tư duy cho các nhà làm quy hoạch, không xây dựng một cách vô tội vạ, thay vào đó cần bảo tồn các yếu tố cũ và xây dựng yếu tố mới một cách đúng hướng” - ông nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT)

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT)

Nhiều ý kiến tại hội thảo bày tỏ lo ngại khi hiện nay Phú Quốc đang dần đánh mất đi những nét đặc thù riêng và trở nên giống với đa số các khu du lịch khác. Theo PGS. TS. KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam cho rằng ngoài thế mạnh về môi trường, hòn đảo này cần tạo sự độc, lạ để tăng sức cạnh tranh với các địa điểm khác trên thế giới.

“Nhiều dự án gần đây tại Phú Quốc lại mang văn hoá ngoại lai đưa vào vùng đất này. Tôi nghĩ rằng văn hoá Phú Quốc vẫn nên là văn hoá bản địa và các nhà đầu tư cần nhạy bén với điểm này” - ông nói.

Còn TS. KTS Trần Minh Tùng, Trường ĐH Xây dựng cho hay nếu một đô thị chỉ phát triển thuần du lịch thì rất mong manh, vì vậy ngoài du lịch Phú Quốc cũng nên phát triển dân cư. Trong đó phải thiết lập các dự án đô thị kiểu mẫu, đáp ứng nhu cầu dịch chuyển dân cư dự báo sẽ tăng nhanh trong tương lai gần.

Ngày 23-6-2022, Thủ tướng đã có Quyết định 767/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040. Theo đó Phú Quốc được định hướng trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khoẻ, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng…

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Kiên Giang cũng đã xác định mục tiêu xây dựng TP. Phú Quốc đạt đô thị loại I vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế. Dự báo đến 2030, Phú Quốc sẽ có 550.000 dân gấp 3 lần hiện tại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm