Nông dân trồng thanh long ở nhiều địa phương như Bình Thuận, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu… đang khóc ròng vì giá lao dốc rẻ như cho nhưng vẫn không có ai mua. Nếu trước đó thanh long có giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg thì hiện tại giá thanh long chỉ còn ở mức 1.000-2.000 đồng/kg.
Những ngày gần đây, người dân tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đang đứng ngồi không yên khi hàng trăm tấn thanh long đến độ chín rộ nhưng rớt giá thê thảm, không bán được. Một tấn thanh long chỉ có giá 1 triệu đồng, tính ra chỉ khoảng 1.000 đồng/kg. Mọi chi phí cho 500 gốc thanh long hết hơn 30 triệu, vậy nhưng khi bán chỉ được 3 triệu đồng, không đủ tiền thuê nhân công hái.
Một thương lái thu mua cho biết hiện nay các vựa xuất đi Trung Quốc đã đầy hàng, người dân muốn bán cũng không có nơi thu mua, phải thanh long đẹp lắm thì mới bán được với giá khoảng 5.000 đồng, còn không chỉ từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg.
Quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc, thanh long cũng như nhiều nông sản Việt Nam "ôm hận", nông dân thua lỗ nhiều năm qua.
Tại Bình Thuận, địa phương có diện tích thanh long lớn nhất cả nước cũng chung cảnh ngộ, vườn thanh long tại các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân… khổ sở vì giá quá rẻ. Theo nông dân tại đây, hiện giá thanh long được thương lái thu mua dao động trên dưới 2.000 đồng/kg, tuy nhiên việc tiêu thụ diễn ra rất chậm.
Đầu vụ thương lái đến đặt tiền cọc mua xuất sang Trung Quốc, mua giá 20.000 đồng mỗi kg, tuy nhiên sau đó họ bỏ luôn cọc khiến nhiều nông dân khốn đốn buộc phải bán với giá bèo bọt, từ 2.000-7.000 đồng mỗi kg. Theo cách tính của nông dân, bình quân mỗi kg thanh long ruột đỏ giá trên 10.000 đồng trở lên mới mong có lãi.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu, cho biết công ty đang tạm ngưng thu mua thanh long vì hàng hóa tại cửa khẩu chững lại vì thị trường Trung Quốc nhu cầu tiêu thụ rất ít, còn về phía các doanh nghiệp xuất khẩu, số lượng xe container đang ở ngoài cửa khẩu chưa quay về kịp để vận chuyển đợt hàng tiếp theo, dẫn đến hàng hóa dồn ứ, giá rớt thảm như hiện nay.
Để tránh cảnh "giải cứu" cần những chuỗi liên kết giữa DN và nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến, xuất khẩu.
Theo ông Hiệp, hiện tại hầu hết các cơ sở thu mua thanh long trong tỉnh hiện đã thu đủ lượng cần mua và đang bảo quản ở kho lạnh, nên rất nhiều doanh nghiệp sẽ ngừng thu mua thanh long trong những ngày tới. Rõ ràng, ở thời điểm này - cung vượt cầu là nguyên nhân chính dẫn đến sự chạm đáy của giá cả thanh long hiện nay.
Ngoài ra, một số chuyên gia cho biết mấy năm nay một số tỉnh Trung Quốc phát triển trồng thanh long với diện tích lớn, tháng 10 này họ cũng vào vụ thu hoạch nên việc tiêu thụ từ Việt Nam sẽ giảm. Vì vậy các địa phương trồng thanh long nước ta cần quy hoạch lại vùng trồng, đầu ra sản phẩm, liên kết DN tiêu thụ, tránh phụ thuộc thị trường Trung Quốc.