“Cửa hàng tiện lợi phục vụ chủ yếu cho khách mua hàng trong phạm vi dưới 500 m”. Tưởng rằng đây chỉ là chuyện “ngày xửa ngày xưa”. Nhưng không, nó đang nằm trong một dự thảo của Bộ Công Thương.
Nhưng dự thảo thông tư “Quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại” không chỉ có quy định kể trên, mà còn có nhiều quy định khác về bãi giữ xe, diện tích, lượng hàng bán… tại cửa hàng tiện lợi; hay các quy định chung chung như phải “tiên tiến, hiện đại”, “văn minh, khoa học”, “thuận tiện, nhanh chóng”, “phong phú, đa dạng”…
Các quy định định tính này dường như là sự trở lại của nhiều quy định đã được bãi bỏ. Những ai theo dõi “cuộc chiến cắt bỏ điều kiện kinh doanh” từ năm 2016 đến khoảng năm 2018 đều nhớ như in những quy định lẩn khuất trong các thông tư, nghị định như phải có mặt bằng thoáng mát, sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh… Thậm chí trong nhiều lĩnh vực có những quy định dở khóc dở cười kiểu như “ngực lép thì không được phép lái xe”.
Nhiều khi Nhà nước ban hành những quy định tưởng là chặt chẽ nhưng thực sự lại tạo ra kẽ hở cho thói nhũng nhiễu, cửa quyền, quan liêu và dẫn tới nguy cơ tham nhũng. Doanh nghiệp đương nhiên không thể tự bỏ tiền túi ra để trả cho các chi phí ấy mà lại tính nó vào giá thành sản phẩm, dịch vụ. Cuối cùng thì người dân lại phải gánh chịu hậu quả do các quy định phi thị trường gây ra.
Tất nhiên, Nhà nước đứng trước yêu cầu quản lý của mình có xu hướng quản lý tất cả. Nhưng Nhà nước vốn cũng chỉ là một trong những chân kiềng bảo đảm xã hội hoạt động ổn định. Thị trường cùng với các quy luật khách quan của nó sẽ thúc đẩy những cái phù hợp và đào thải những cái vô lý.
Chỉ cần nhìn hàng ngàn điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, đơn giản hóa trong thời gian qua có thể thấy sức mạnh tiềm ẩn của thị trường như thế nào, khi nó công phá vào sự trì trệ, bảo thủ, quan liêu ra sao.
Cứ tưởng sau một thời gian dài bị “đấu tranh” thì các điều kiện kinh doanh, các quy định không phù hợp với thị trường sẽ ít đất sống. Thế nhưng với dự thảo nói trên thì dường như thị trường cần hết sức… cảnh giác. Bởi như các chuyên gia nhận xét, nhiều quy định tại dự thảo có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau, gây rủi ro rất lớn cho người kinh doanh khi cơ quan nhà nước có thể diễn giải tùy tiện để bắt chẹt.