Y sĩ Nguyễn Thị Phương, Trưởng khoa Nữ C, Trung tâm Điều dưỡng bệnh tâm thần Thủ Đức, ngậm ngùi khi nói về một trường hợp bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng bị bỏ rơi: “Chị Phạm Thị Năm sức khỏe đã tốt và đủ điều kiện để trở về nhà nhưng gia đình không liên lạc đón về. Thấy chị nằm khóc hoài tôi xót ruột lắm. Tôi gọi điện thoại được cho chị dâu của chị Năm nhưng gia đình từ chối. Tôi phải nhờ họ nói vài câu qua điện thoại là khi nào có đủ tiền sẽ vô đón chị về vì sợ bệnh nhân buồn quá lại bị ảnh hưởng xấu đến tâm lý”.
Em hết khùng rồi, hãy đón em về!
Chị Năm (sinh năm 1970, quê huyện Diễn Châu, Nghệ An) vẫn hy vọng và chờ đợi gia đình “có đủ tiền sẽ vô đón về”. Chị rạng rỡ hẳn lên khi được hỏi về gia đình mình. Theo lời chị, ông xã và chị quen biết nhau khi cả hai đi làm mướn ở Đắk Lắk cách đây 14 năm. Sau đó hai người về ở với nhau luôn chứ không có đám cưới vì quá nghèo. Khi sinh được hai con trai, vợ chồng chị chuyển về Nghệ An sinh sống. Chị nói: “Hai thằng con em ngoan và đẹp trai giống bố lắm. Giờ đang ở bên nội. Ngày nào em cũng khóc vì nhớ con”. Nói tới đây chị lại giàn giụa nước mắt.
Chị cho biết cách đây vài năm, chị bị sốt, gia đình đưa vô bệnh viện ở Nghệ An. Sau đó chị bỏ bệnh viện đi lang thang, đến tháng 9-2013 thì được đưa vô Trung tâm Điều dưỡng bệnh tâm thần.
Hiện nay chị đã hết bệnh và ngày nào cũng nhờ nhân viên nhắn cho gia đình đón về. Chị cũng nhờ chúng tôi chuyển lời nhắn của chị: “Em xin lỗi vì ngày xưa bệnh tật làm khổ chồng con nhưng lúc đó em bệnh không biết chi mô. Giờ em hết bệnh rồi, anh vay tiền vào đây đưa em về để em đi làm cùng anh nuôi con”.
Chị giúp chăm các bệnh nhân khác, uống thuốc đều đặn và luôn cố nói với các nhân viên: “Em đã hết khùng rồi, mấy chị giúp em cách nào về nhà đi”.
Chị Dương Thị Mỹ mong được gặp con gái một lần. Ảnh: HM
Khắc khoải chờ đợi
Sự chờ đợi trong cô đơn đã ảnh hưởng không ít tới tâm lý và sức khỏe của bệnh nhân.
Chị Trịnh Thị Bảo Thúy (sinh năm 1970, nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Hưng Phú, quận 8) là một phụ nữ xinh xắn, trắng trẻo. Không biết căn nguyên nào mà cô giáo Thúy bị mắc bệnh tâm thần. Chị không còn nhớ nhà mình ở đâu nhưng chị nhớ rất rõ mình có một con gái tên T.B.Văn. Năm nay bé Văn được 13 tuổi. Từ khi vô trung tâm cách đây bảy năm, chị mới được gặp lại con duy nhất một lần. Người chồng cũng đã bỏ chị, không quay vô thăm nữa.
Mỗi khi nhắc tới con chị lại khóc: “Bé Văn đẹp gái, nhìn giống mẹ. Em muốn được về gặp con, đi họp phụ huynh cho con một lần”. Chị kể dịp sinh nhật chị mới đây, cán bộ trong trung tâm đến hỏi thăm và chúc mừng sinh nhật. Chị nói điều ước sinh nhật chị là “được gặp con” nhưng không ai dám hứa sẽ giúp chị thực hiện mong ước đó.
Vì thương nhớ con và đau buồn nhiều nên sức khỏe của chị cũng bị ảnh hưởng. Chị nhờ chuyển giúp lời của chị ra bên ngoài: “Mong mấy anh chị bên công đoàn trường đến thăm em, bảo lãnh cho em ra ngoài gặp con. Nếu không được, nhờ chị tìm chồng em nói cho con em vô thăm em một lần...”.
Tình mẫu tử của những người mẹ điên là tình cảm thiêng liêng có thể giúp họ vượt qua bệnh tật. Hơn ai hết, người thân, gia đình phải là chỗ dựa cho những bệnh nhân đáng thương này. Xin đừng bỏ rơi họ đau đáu với nỗi khắc khoải nhớ mong con mình.
Gia đình đừng bỏ rơi họ! Nhiều bệnh nhân bệnh nặng đưa vô đây, sau một thời gian điều trị đã khỏe nhưng gia đình không đưa về. Có trường hợp mình thuyết phục người nhà hoài cũng không được. Có gia đình còn nói là người tâm thần đã gây ra nhiều chuyện không thể tha thứ, họ hay gây chuyện nên đưa về nhà cũng sẽ chứng nào tật nấy. Mỗi nhà mỗi cảnh nên tôi không dám nhận xét nhưng nếu được gia đình quan tâm, chăm sóc tinh thần thì người bệnh sẽ đỡ bệnh, có thể hết bệnh. Ngược lại thì bệnh có thể nặng thêm. Trung tâm ngoài chức năng chữa bệnh còn có chức năng bảo trợ xã hội, nếu bệnh nhân không được đón về gia đình thì trung tâm vẫn chăm sóc. Nhưng thấy mấy người bệnh khóc nhớ con thì chúng tôi xót lắm. Bà NGUYỄN THỊ PHƯỢNG, Trưởng khoa Nữ C, Suốt 30 năm qua ở trung tâm, chị Dương Thị Mỹ (sinh năm 1962) không có người thân đến thăm nuôi. Chị hay buồn bã, tinh thần không ổn định. Những lúc tỉnh táo chị thường nhắc tên con gái là Thu Hà với nỗi nhớ mong khắc khoải. Chị không biết con gái chị hiện nay ở đâu, luôn day dứt về việc chị vô trung tâm lúc con còn nhỏ, không biết con có được ai nhận nuôi hay không. Nhiều lần thấy chị Bảo Thúy khóc vì nhớ con, chị Mỹ cũng khóc theo. Chị nhắn gửi: “Nếu Thu Hà biết mẹ ở đây, đến thăm mẹ một lần thôi cũng được”. |