Công an huyện Củ Chi, TP.HCM vừa ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với anh Lê Minh Trí với lý do hành vi không cấu thành tội phạm. Tính đến nay anh Trí đã bị khởi tố, truy tố gần ba năm, trong đó thời gian bị bắt tạm giam là gần hai năm.
Chứng cứ mù mờ vẫn bắt giam
Quyết định đình chỉ nêu: “Trong quá trình điều tra tố tụng chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Lê Minh Trí nên hành vi của anh không cấu thành tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
Sự việc xuất phát từ ngày 24-8-2014, anh Trần Quốc Dũng chạy xe máy trên đường với tốc độ khá nhanh nên đã tự té xuống đường. Nhưng cả xe và người anh Dũng đã va chạm với xe máy của anh Lê Minh Trí đang điều khiển theo hướng ngược lại. Hậu quả là anh Dũng tử vong.
Ban đầu VKSND huyện Củ Chi cho rằng nguyên nhân chính trong vụ tai nạn là do anh Trí chạy xe lưu thông lấn trái không đúng phần đường, gây tai nạn. Nạn nhân có lỗi phụ là chạy xe máy khi có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định. Từ đó, anh Trí bị khởi tố, truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Nhưng sau khi chuyển hồ sơ sang TAND huyện thì tháng 8-2015, cơ quan này đã rút hồ sơ về để yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ các nội dung: Vết thương trên cổ nạn nhân do ai hoặc vật gì gây ra; trước khi tai nạn xảy ra nạn nhân có điều khiển xe lấn trái hay không...
Anh Lê Minh Trí (bìa phải) tại Văn phòng luật sư Người Nghèo. Ảnh: NN
Sau đó, TAND huyện Củ Chi từng nhiều lần mở phiên xử nhưng đều bị hoãn. Tại phiên xử sơ thẩm cuối năm 2016, anh Trí cho rằng mình không lấn trái mà là băng qua đường. Khi anh Dũng tự ngã, xe văng vào xe anh Trí, anh Dũng ngã văng ra ngoài và xe của bị cáo không đụng vào người nạn nhân. HĐXX đã quyết định hoãn, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Lúc này Pháp Luật TP.HCM có phản ánh, phân tích theo hướng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm và anh Trí đã được cho tại ngoại hầu tra.
Tiếp đó VKS huyện thay đổi tội danh có khung hình phạt nhẹ hơn là tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Báo tiếp tục phản ánh việc thay đổi tội danh này cũng không hợp lý. Bởi khi tai nạn xảy ra có đông người chứng kiến giúp đỡ nạn nhân. Khi thấy anh Dũng chảy nhiều máu, người dân nói anh Trí lánh đi để tránh bị người nhà nạn nhân đánh. Ngoài ra, cáo trạng cũng khẳng định nạn nhân chết tại hiện trường nên không thể nói anh Dũng chết là do anh Trí không cứu giúp...
Ký ức buồn đã qua…!
“Hôm đó công an huyện mời em đến nhận kết luận điều tra chứ không nói là đình chỉ nên em cũng lo. Nhưng giờ thì em mừng quá! Em cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM và luật sư Văn phòng luật sư Người Nghèo đã minh oan cho em. Nếu không có sự hỗ trợ thì giờ chẳng biết em sẽ ra sao nữa” - anh Trí nói.
Anh Trí quê An Giang, vào TP.HCM làm thuê mưu sinh nhưng không ngờ xảy ra sự cố. Từ khi bị khởi tố rồi bị tạm giam, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Mẹ anh Trí kể gia đình người thân từ An Giang khăn gói lên TP mỗi lần đi lại đều tốn kém nhưng tòa nhiều lần hoãn xử. Buồn chuyện của con một lẽ, gánh nặng chi phí cho việc thăm nuôi cũng đè lên vai bà mẹ.
Bà kể: “Lúc con tôi đã bị tạm giam 21 tháng, tôi nhiều lần vác đơn lên TP, đi gõ cửa khắp nơi xin cho nó tại ngoại nhưng không cơ quan nào giải quyết…”.
Lúc nghe anh Trí báo đã được đình chỉ điều tra có lẽ là khoảnh khắc hạnh phúc nhất của bà. Vậy là từ nay bà mẹ nghèo đến từ An Giang sẽ không phải chạy đôn chạy đáo lên TP.HCM thăm con trong trại tạm giam. Người ta sẽ không còn thấy nước mắt bà lã chã rơi ở sân TAND huyện Củ Chi trong mỗi lần tòa lên lịch xét xử.
Anh Trí cho biết sắp tới sẽ làm đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng huyện Củ Chi phải xin lỗi công khai và bồi thường những ngày anh bị tạm giam oan. Anh vẫn sẽ trụ lại TP.HCM tiếp tục đi làm thuê để mưu sinh và quên đi ký ức buồn những ngày qua…
Luật sư bảo vệ anh Trí nói gì? Từ đầu nhận thấy không cần phải tạm giam, tôi làm đơn cho gia đình xin bảo lãnh và kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn cho Trí nhưng không được chấp nhận. Về nội dung, dù bị cáo có một số lời khai nhận tội nhưng không phù hợp với khám nghiệm hiện trường và kết quả giám định pháp y. Vụ án bị trả hồ sơ và đưa ra xét xử nhiều lần, thể hiện sự lỏng lẻo chứng cứ kết tội. Thậm chí có thời điểm cơ quan tiến hành tố tụng còn tính truy tố cả mẹ và anh của Trí về hành vi giao xe máy khi Trí không có bằng lái. Rất may là họ đã không khởi tố chứ nếu không cái sai này lại chồng lên cái sai khác. Tôi cũng cám ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã phân tích pháp lý và đưa vụ việc lên mặt báo, từ đó Trí mới được tại ngoại và được đình chỉ điều tra. Luật sư LÊ QUANG VŨ, Văn phòng luật sư |