EU chia rẽ về việc trừng phạt ông Lukashenko

Châu Âu đang chia rẻ về việc nên hay không nên trừng phạt cá nhân Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vì các cáo buộc đàn áp biểu tình, tờ The Telegraph (Anh) ngày 4-9 đưa tin.

Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị công bố các biện pháp trừng phạt nhắm vào một số quan chức cấp cao trong chính phủ và lực lượng tình báo Belarus vì các hành vi mà phương Tây gọi là "đàn áp biểu tình".

EU đã thống nhất về 17 cá nhân sẽ bị châu Âu phong tỏa tài sản và hạn chế đi lại. Tuy nhiên, việc có thêm ông Lukashenko vào danh sách bị trừng phạt hay không đã khiến tổ chức này bị phân hóa.

The Telegraph cho rằng nhiều khả năng, ông Lukashenko sẽ "thoát khỏi danh sách đen" vì cả Đức, Pháp và Ý đều không ủng hộ nội dung trừng phạt này. Trong khi đó, nhiều nước vùng Baltic và Đông Âu mong muốn trừng phạt ông Lukashenko. 

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: TASS/AP

Một quan chức châu Âu nói với The Telegraph rằng EU chưa muốn trừng phạt các lãnh đạo Belarus ở "cấp độ chính trị" cao nhất. Tuy nhiên, EU vẫn để ngỏ khả năng áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề hơn nếu "leo thang căng thẳng".

Ba nước Đức, Pháp, Ý đều lo ngại việc áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Tổng thống Belarus có thể dẫn đến việc đình chỉ hoàn toàn các cuộc đối thoại với Minsk. Do đó, "bất chấp mọi tình huống, các kênh kết nối với ông Lukashenko nên được để mở", theo hãng thông tấn TASS.

Trong khi đó, ba quốc gia vùng Baltic là Lithuania, Latvia và Estonia nằm trong nhóm nước kêu gọi đưa ông Lukashenko vào danh sách trừng phạt. Các nước này đã ban hành các lệnh trừng phạt riêng nhằm vào Tổng thống Belarus.

Các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Lukashenko và đòi chính quyền Minsk cải cách đã kéo dài và lan rộng ở Belarus sẽ cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng 8. Ông Lukashenko được tuyên bố giành chiến thắng áp đảo nhưng lực lượng đối lập cáo buộc cuộc bầu cử không công bằng.

Trong một cuộc họp không chính thức ở Berlin hôm 27-8 và 28-8, các lãnh đạo EU đã thống nhất rằng lệnh trừng phạt các quan chức Belarus nên được ban hành "càng sớm càng tốt".

Trước đó, từ năm 2004, EU từng cấm nhiều quan chức Belarus nhập cảnh và tiếp cận hệ thông ngân hàng ở các quốc gia thành viên của khối này vì các cáo buộc vi phạm quyền con người. Tính tới năm 2016, khoảng 130 cá nhân Belarus đã bị EU liệt vào danh sách đen. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm