EU đề xuất kế hoạch làm mới quan hệ với Mỹ dưới thời ông Biden

Liên minh châu Âu (EU) đang xây dựng kế hoạch làm mới quan hệ chiến lược xuyên Đại Tây Dương sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Nhà Trắng, tạp chí Financial Times ngày 29-11 đưa tin.

Bản kế hoạch này dài 11 trang, do Ủy ban châu Âu và Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại EU Josep Borrell thảo luận đề xuất. Dự kiến, bản kế hoạch sẽ được gửi đến các nguyên thủ châu Âu trong cuộc họp của EU vào ngày 10-12 và 11-12.

EU muốn kêu gọi Mỹ tận dụng thời cơ “trăm năm có một” để định hình quan hệ hợp tác mới, xóa bỏ những căng thẳng dưới thời ông Trump và đương đầu với “thách thức chiến lược” từ Trung Quốc.

Các quan chức châu Âu tin rằng nửa đầu năm 2021 là thời điểm thích hợp để khởi động chương trình nghị sự mới của EU và Mỹ. 

Cờ Mỹ và cờ EU treo tại trụ sở tổ chức này ở TP Brussels (Bỉ). Ảnh: REUTERS

Bản kế hoạch của EU thể hiện niềm tin mạnh mẽ và sự lạc quan của các nước châu Âu về triển vọng hợp tác với Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.

Theo quan điểm của EU, mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương cần được “duy trì và làm mới” nếu phương Tây muốn bảo vệ quyền lợi của mình trước các cường quốc đối thủ và những nước không chịu mở cửa nền kinh tế nhưng đang lợi dụng độ mở của các thị trường phương Tây, bao gồm Trung Quốc.

EU muốn đề xuất “một chương trình nghị sự Mỹ-EU mới vì những thay đổi trên toàn cầu”, bao gồm các phương án hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực như cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, chống phá rừng, hạn chế hoạt động của các công ty công nghệ Trung Quốc…

EU đề xuất xây dựng một lực lượng chung giữa Mỹ và châu Âu để xây dựng hệ thống pháp lý về công nghệ số, bao gồm việc theo đuổi một cách tiếp cận chung về chống độc quyền thương mại, bảo vệ dữ liệu, giám sát các khoản đầu tư từ nước ngoài, chống tội phạm mạng…

Bản kế hoạch cũng kêu gọi hai bên hợp tác phát triển và phân phối vaccine ngừa COVID-19 và cùng nhau cải tổ cơ chế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

EU cũng bày tỏ sự quan ngại rằng quan hệ Mỹ-EU bị rạn nứt trong bốn năm dưới thời Tổng thống Trump đã giúp Trung Quốc nắm thế chủ động trong bàn cờ địa chính trị thế giới.

“Vì đều là những xã hội dân chủ mở và là các nền kinh tế thị trường, EU và Mỹ chia sẻ quan điểm chung về thách thức chiến lược từ sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên thế giới, ngay cả khi chúng ta không phải luôn đồng ý với nhau về cách tốt nhất để thể hiện quan điểm này” - các quan chức EU viết.

EU lưu ý rằng chính những bất đồng liên quan tới Trung Quốc là lý do chiến lược của EU đối với Bắc Kinh ít cứng rắn hơn chính sách mà ông Trump đã thi hành.

EU đề xuất cùng với Mỹ xây dựng một “không gian công nghệ xuyên Đại Tây Dương” và coi đây là “xương sống cho mối liên kết rộng lớn hơn” giữa các quốc gia cùng chia sẻ những giá trị của phương Tây.

Bản đề xuất của EU cũng nhấn mạnh những trở ngại đối với triển vọng cải thiện quan hệ EU-Mỹ như sự bất đồng giữa các cường quốc giữa hai bờ Đại Tây Dương và giữa chính các quốc gia châu Âu với nhau.

Nhiều quốc gia châu Âu có mối quan hệ song phương chặt chẽ với Trung Quốc, nhất là các thành viên EU ở Trung Âu và Đông Âu. Điều này khiến các nước không sẵn lòng đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh.

Dù còn nhiều tranh chấp pháp lý từ phía ông Trump và đảng Cộng hòa, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có vẻ đã ngã ngủ. Các hãng truyền thông lớn của thế giới đã dự báo ông Biden giành chiến thắng với 306/538 phiếu đại cử tri.

Từ ngày 7-11, nhiều nguyên thủ châu Âu đã gửi lời chúc mừng tới ông Biden. Gần một tuần sau đó, Trung Quốc cũng đã chúc mừng ông Biden là tổng thống tân cử của Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm