Chuyên gia Trung Quốc dự báo chính sách ông Biden ở Biển Đông

Sau ngày bầu cử 3-11, dù đương kim Tổng thống Donald Trump chưa nhận thua nhưng nếu không có bất ngờ lớn xảy ra, ứng viên Dân chủ Joe Biden sẽ nhậm chức vị trí tổng thống thứ 46 của Mỹ vào ngày 20-1-2021.

Trong bối cảnh này nhật báo China Daily (Trung Quốc) ngày 28-11 đăng bài viết của ông Ngô Sỹ Tồn - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông (Trung Quốc) đánh giá, dự đoán về chiến lược của chính phủ ông Biden với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có chính sách với Trung Quốc, và ở Biển Đông.

Chính sách với Trung Quốc vẫn sẽ là trung tâm đối ngoại của Mỹ

Theo ông Ngô Sỹ Tồn, một khi ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, khả năng lớn nước này sẽ quay lại với chủ nghĩa đa phương, và chính sách đối ngoại của Washington sẽ đặt các ưu tiên phù hợp với “các liên minh” và “ý thức hệ dân chủ tự do”. Bên cạnh đó, khả năng lớn đôi ngũ an ninh quốc gia của ông Biden sẽ bao gồm nhiều cựu quan chức cấp cao từng phục vụ trong chính phủ Tổng thống Barack Obama.

Ông Biden đã thông báo ông chọn nhà ngoại giao kỳ cựu Tony Blinken vào vị trí ngoại trưởng trong chính phủ tới đây của mình. Ông Blinken vốn là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ (từ năm 2015 đến năm 2017) và Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ (từ năm 2013 đến năm 2015) dưới thời chính phủ Obama, và hiện là nhà phân tích các vấn đề toàn cầu của đài CNN.

Theo ông Ngô Sỹ Tồn, chưa rõ ông Biden liệu có từ bỏ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của ông Trump hay không, nhưng chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt chính sách với Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là trung tâm của chính sách đối ngoại Mỹ. Ông này nhắc lại lời ông Biden trên một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 3 có đề cập rằng “cách hiệu quả nhất để đáp lại cách thách thức (do Trung Quốc mang lại) là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác Mỹ”.

Biển Đông – ông Biden sẽ không “hiền” hơn ông Trump

Ông Ngô Sỹ Tồn cho rằng chính sách Biển Đông của Mỹ đã trở nên cứng rắn hơn sau khi ông Trump nhậm chức tháng 1-2017, với đỉnh điểm là tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo về Biển Đông ngày 13-7 vừa qua. Trong tuyên bố này ông Pompeo nói rõ Mỹ xem các tuyên bố của Trung Quốc đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, và cáo buộc rằng Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát nguồn tài nguyên này. Theo chuyên gia này, với tuyên bố này của ông Pompeo, Mỹ đã “hoàn toàn từ bỏ cam kết trung lập trong tranh chấp Biển Đông”.

Biển Đông đã trở thành một chủ đề gây bất đồng lớn trong quan hệ Mỹ-Trung, và vì thế quyền lực tổng thống chuyển tiếp ở Mỹ sẽ có ảnh hưởng lớn với tình hình khu vực, theo ông Ngô Sỹ Tồn.

Ông này cho rằng Mỹ tới đây sẽ cố gắng duy trì hiện diện quân sự ở Biển Đông, tăng cường mạng lưới liên minh và đối tác an ninh chống Trung Quốc, dù Washington có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận cân bằng hơn với các chiến dịch quân sự như các chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải.

Tàu khu trục USS Barry lớp Arleigh Burke trang bị tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ vừa được triển khai trở lại Biển Đông, đi qua eo biển Đài Loan ngày 20-11. Ảnh: US NAVY

Theo ông Ngô Sỹ Tồn, mục tiêu chính sách của Mỹ duy trì ưu thế vượt trội ở Biển Đông sẽ không thay đổi. Để tạo điều kiện củng cố sự hiện diện quân sự ở khu vực, chính phủ Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Biden khả năng lớn sẽ làm sâu sắc hơn các quan hệ ngoại giao và quân sự của mình với Philippines, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong số các nước có biên giới với Biển Đông. Dưới thời chính phủ ông Obama, lúc ông Benigno Aquino III làm tổng thống Philippines, Manila là đồng minh chính cùng Mỹ “khuấy động” Biển Đông, theo ông Ngô Sỹ Tồn.

Washington và Manila thậm chí còn ký Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (năm 2014) theo đó Mỹ có thể hoạt động ở năm căn cứ quân sự của Philippines, và qua đó tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì thế, ông Ngô Sỹ Tồn cho rằng ông Biden khả năng sẽ xem việc cải thiện các quan hệ quân sự và an ninh Mỹ-Philippines như một kiểu mẫu để tái thiết các quan hệ liên minh khác của Mỹ. Cũng theo ông này, một khi Mỹ khôi phục được quan hệ với Philippines, không chỉ tình trạng bất đồng và xung đột giữa Trung Quốc với Mỹ mà cả với Philippines cũng sẽ gia tăng.

Bên cạnh Philippines, Mỹ cũng sẽ lập liên minh và quan hệ đối tác với các nước khác trong khu vực và củng cố sự liên kết an ninh với các đồng minh theo hiệp ước của mình như với Nhật và Úc. Mỹ cũng sẽ tăng cường quan hệ “bán liên minh” với Ấn Độ, nhằm kiềm chế sức mạnh quốc gia đang gia tăng và sự mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, theo ông Ngô Sỹ Tồn.

Chính phủ ông Biden sẽ không bỏ qua phán quyết Biển Đông

Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông (Trung Quốc) cũng cho rằng chính phủ ông Biden sẽ tăng quảng bá cho phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài về luật biển xử Philippines thắng, từ chối công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với gần hết Biển Đông.

Thủy thủ trên tàu khu trục USS Barry lớp Arleigh Burke trang bị tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ, lúc tàu này đi qua eo biển Đài Loan ngày 20-11. Ảnh: US NAVY

Nhớ lại sau phán quyết của Tòa trọng tài, ông Biden khi đó còn là phó tổng thống Mỹ đã công khai nói rằng Mỹ “hy vọng Trung Quốc sẽ chơi cùng luật như mọi nước khác” và “đề nghị cả Bắc Kinh và Manila tuân thủ phán quyết”. Chính phủ mới của Mỹ khả năng sẽ đi theo chính sách này, theo ông Ngô Sỹ Tồn.

Theo ông Ngô Sỹ Tồn, nếu các nước bên ngoài khu vực tăng quảng bá cho phán quyết của Tòa trọng tài thì khả năng tình hình Biển Đông có thể quay trở lại điều đã diễn ra năm năm trước. Ông này cảnh báo rằng tình hình sẽ còn căng thẳng hơn nhiều "nếu có thêm nước tranh chấp nào nối gót Philippines đưa kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài và Mỹ ủng hộ bước đi này".

Ông Ngô Sỹ Tồn cảnh báo ‘rát’ Mỹ về Biển Đông

Trong bài viết trên China Daily, ông Ngô Sỹ Tồn không loại trừ khả năng trong thời gian cuối nhiệm kỳ chính phủ ông Trump sẽ “khuấy động thêm vấn đề ở Biển Đông”.

Theo ông này, sự thiếu niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm suy yếu các cơ chế quản lý khủng hoảng song phương, tăng rủi ro xung đột vì sự hiểu sai hay phán đoán sai. Tuy nhiên ông này đánh giá hai bên vẫn có thể hạ nhiệt tình hình Biển Đông miễn là cùng kiềm chế. Tuy nhiên trong các đề xuất hai bên cùng thực hiện thì phần nhiều ông này đề cập đến bổn phận phía Mỹ.

Dù nói rằng hai bên cần tự kiềm chế, nhưng ông Ngô Sỹ Tồn lại chỉ đề cập đến bổn phận phía Mỹ rằng phải hạn chế các chiến dịch quân sự ở Biển Đông bao gồm các chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải, giám sát hàng hải, tập trận quân sự hay xây dựng căn cứ quân sự.

Ông Ngô Sỹ Tồn thừa nhận hai bên cần khôi phục đối thoại quân sự ở cấp chỉ huy, đặc biệt để giải tỏa mọi hiểu lầm về các chiến dịch quân sự ở Biển Đông, cũng như bàn về tính khả thi của việc thiết lập một cơ chế toàn diện giải quyết khủng hoảng.

Ông Ngô Sỹ Tồn đe dọa rằng Mỹ cần nghĩ kỹ trước khi lôi kéo nhóm Bộ tứ - liên minh an ninh giữa Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc – vào vấn đề Biển Đông. Nếu Mỹ và các đối tác thực hiện các cuộc tập trận chung ở Biển Đông nhắm vào Trung Quốc thì Bắc Kinh buộc phải xúc tiến các cuộc tập trận quân sự tương tự nhắm vào nhóm Bộ tứ. Các động thái qua lại này sẽ chỉ làm tăng rủi ro xung đột, ông Ngô Sỹ Tồn cảnh báo Mỹ.

Ông này cũng nói rắn rằng Mỹ nên cân nhắc lại quan điểm của mình về chuyện tranh chấp Biển Đông, nên trung lập trong chuyện này.

Ông Ngô Sỹ Tồn ngang nhiên yêu cầu Mỹ ngừng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, đồng thời ngừng lợi dụng vấn đề Đài Loan để “hủy hoại quyền và quyền lợi” của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông này đe dọa nếu Mỹ không làm theo cảnh báo thì sẽ chỉ “làm gia tăng căng thẳng dọc eo biển Đài Loan cũng như khiến tình hình Biển Đông phức tạp hơn”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm