Sau đây là những chuyển động đáng chú ý được truyền thông quốc tế ghi nhận.
Bộ Tứ Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản gặp mặt tại Tokyo
Ngoại trưởng các nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã họp bàn tại Tokyo hôm 6-10 (giờ địa phương) để bàn về thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, với Trung Quốc là trọng tâm của cuộc thảo luận.
Đây là cuộc hội đàm lần thứ hai của các ngoại trưởng nhóm này, diễn ra giữa lúc mối quan hệ giữa bốn nước với Trung Quốc đang trên đà căng thẳng trở lại bởi những vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, gián điệp hay cấm vận qua lại,...
Theo hãng tin Reuters, giới chuyên gia nhận định cuộc họp lần này của Bộ Tứ dù không thể mang đến một kế hoạch hành động cụ thể, nhưng bản thân sự tập hợp này đã là một lời cảnh báo dành cho Trung Quốc và càng củng cố khả năng Bộ Tứ có thể đang trên đà phát triển thành một tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dành riêng cho châu Á.
Ngoại trưởng các nước Ấn-Nhật-Úc-Mỹ (từ trái qua) cùng tân Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide (giữa) tại Tokyo. Ảnh: WSJ
Pháp bổ nhiệm Đại sứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên
Báo The Sydney Morning Herald ngày 12-10 cho hay Đại sứ Pháp tại Úc, ông Christophe Penot, sẽ trở thành đại sứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên của quốc gia này. Cho đến nay, đây được xem là bước tiến rõ nét nhất của Pháp trong chiến lược với Trung Quốc, giữa lúc Liên minh châu Âu cũng đang dần quyết đoán hơn trong các vấn đề với Bắc Kinh.
Đại sứ Pháp tại Úc Christophe Penot. Ảnh: ALEX ELLINGHAUSEN/THE SYDNEY MORNING HERALD
Tân Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam và Indonesia
Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã thăm chính thức Việt Nam và Indonesia từ ngày 18 đến 21-10. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Suga kể từ khi ông nhậm chức vào hôm 16-9.
Trả lời báo giới về chuyến công du đầu tiên của Thủ tướng Suga, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi cho biết chuyến thăm Việt Nam và Indonesia lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, theo đài NHK.
Ngoài ra, ngoại trưởng Motegi cũng cho hay chuyến thăm của tân thủ tướng còn là cơ hội quan trọng để các nước cùng nhau giải quyết những vấn đề được toàn cầu quan tâm, trong đó có tình hình đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Hà Nội. Ảnh: REUTERS
Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản, Úc tiếp tục tập trận trên Biển Đông
Thông cáo ngày 20-10 của Hải quân Mỹ cho biết tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ cùng các tàu JS Kirisame (Nhật) và HMAS Arunta (Úc) đã tiến hành tập trận phòng thủ trên Biển Đông vào hôm 19-10.
Đây là lần thứ năm trong năm nay, tàu chiến Mỹ, Úc và Nhật Bản tập trận chung trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Mỹ.
Từ trên xuống: Ttu chiến Mỹ, Nhật và Úc dàn đội hình trên Biển Đông. Ảnh: HẢI QUÂN HOÀNG GIA ÚC
Máy bay Trung Quốc diễn tập phóng tên lửa ở Biển Đông
Trong hai ngày 20 và 21-10, lực lượng không quân hải quân thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam Trung Quốc đã huy động gần 100 phi công tham gia đợt diễn tập phóng hàng chục tên lửa đối không, theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Đợt diễn tập bắn đạn thật được tổ chức ở vùng biển phía tây đảo Hải Nam, nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể. Cũng theo CCTV, đợt diễn tập này nhằm kiểm tra kỹ năng sử dụng vũ khí trong điều kiện chiến đấu thực tế của các phi công.
Mỹ duyệt bán lô vũ khí 1,8 tỉ USD cho Đài Loan, Trung Quốc dọa đáp trả
Hãng tin Reuters ngày 22-10 dẫn thông báo từ Lầu Năm Góc cho hay Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt 3 hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan với tổng trị giá hơn 1,8 tỉ USD.
Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là đang can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước. Đồng thời, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đe dọa nước này “sẽ đưa ra phản ứng phù hợp và cần thiết, căn cứ vào diễn biến tình hình”.
Theo nguồn tin riêng của hãng tin Reuters, ngoài ba hệ thống vũ khí nói trên, chính quyền Mỹ có thể đang xem xét phê chuẩn các gói bán vũ khí khác cho Đài Loan trong thời gian tới.
Mỹ triển khai tuần duyên ở tây Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc
Hãng tin Reuters ngày 23-10 dẫn tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien cho biết lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) có kế hoạch triển khai các tàu tuần tra phản ứng nhanh (tàu tuần tra lớp FPC) tại tây Thái Bình Dương trong tài khóa 2021.
Cụ thể, tuyên bố của ông O’Brien khẳng định Mỹ là một cường quốc của Thái Bình Dương và cảnh báo tình trạng các tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép và quấy nhiễu tàu thuyền trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đe dọa chủ quyền và ổn định khu vực.
Bên cạnh đó, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng nhấn mạnh nỗ lực của Mỹ, bao gồm nỗ lực của USCG, là “rất quan trọng đối với việc chống lại những hành động gây bất ổn và ác ý này”.
Mỹ - Nhật tiến hành tập trận “Thanh gươm sắc bén”
Keen Sword là cuộc tập trận lớn nhất giữa Mỹ và Nhật. Ảnh: US NAVY
Cuộc tập trận lớn nhất giữa Mỹ và Nhật, được tổ chức 2 năm một lần - mang tên Keen Sword (Thanh gươm sắc bén), đã khai mạc tại các cơ sở quân sự ở Nhật và vùng biển chủ quyền của nước này vào hôm 26-10, theo hãng tin Reuters.
Đây là cuộc tập trận lớn đầu tiên dưới thời tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, cũng là hoạt động mới nhất trong chuỗi các cuộc tập trận chung và song phương trên thực địa nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phối hợp tác chiến giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng quân đội Mỹ.
Ước tính có khoảng 46.000 người thuộc các lực lượng của hai bên, cùng hơn 100 máy bay, tàu chiến tham gia tập trận.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh từ ngày 29 đến 30-10 nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Mỹ.
Nhận định về chuyến thăm của ông Pompeo, tạp chí Nikkei Asia cho hay Việt Nam được xem là nước có lập trường cứng rắn với Trung Quốc về Biển Đông nhất trong số 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN. Vì vậy đã thu hút nhiều sự chú ý của Mỹ và cả Nhật - hai quốc gia đang tích cực thúc đẩy chiến lược "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".
Trước đó, hôm 18-10, tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cũng chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhận chức.