Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai diễn ra tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam vào ngày mai, 27-2, châu Âu hy vọng một thỏa thuận phi hạt nhân hóa sẽ được ký kết và Bình Nhưỡng sẽ cởi mở hơn về các cải cách kinh tế của họ. Đây là ý kiến của TS Ramon Pacheco Pardo, Chủ tịch KF-VUB Hàn Quốc tại Viện Nghiên cứu châu Âu về quan hệ quốc tế thuộc Trường King’s College London (Anh).
Châu Âu “đồng cảm” với Triều Tiên
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu bắt đầu xây dựng hệ thống nhà nước dân chủ với nhiều cải cách thể chế và tự do hóa thị trường. Vì thế, châu Âu thấu hiểu và đồng cảm với những thử thách mà Triều Tiên đang phải đối mặt.
“Đặc biệt là các cải cách kinh tế bởi châu Âu đã trải qua điều đó. Trước đây chúng ta có các quốc gia phải chuyển đổi để trở thành thành viên của cộng đồng châu Âu ngày nay” - TS Pardo trao đổi với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), có trụ sở ở Washington (Mỹ).
TS Pardo nhận định chưa có những tiến bộ rõ rệt kể từ sau hội nghị Mỹ-Triều ở Singapore vào tháng 6 năm ngoái. “Triều Tiên và Mỹ hiểu rất rõ họ muốn gì tại cuộc gặp gỡ lần này. Trong vài tháng tới, Mỹ muốn Triều Tiên phải hành động rõ ràng để ít nhất chứng tỏ là họ sẵn sàng thực hiện phi hạt nhân hóa dù thực tế có thể không như mong đợi” - TS Pardo phát biểu.
Sau bốn thỏa thuận chung được ký kết khá mơ hồ, hội nghị trong tuần này đòi hỏi hai nhà lãnh đạo phải đưa ra một định nghĩa chung về phi hạt nhân hóa và hòa bình. Đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, việc này đồng nghĩa Mỹ phải rút hết quân đội trong khu vực, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đó là chấm dứt chương trình vũ khí của Triều Tiên một cách “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (complete, verifiable and irreversible).
Trong khi đó, EU khá quan ngại về sự đe dọa vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng ở Trung Đông. “Nếu công nghệ tên lửa này được chuyển đến các nước Trung Đông hay thậm chí Bắc Phi và rơi vào tay các nhóm khủng bố, bất ổn là điều không thể tránh khỏi” - TS Pardo nói với CSIS.
Hai chuyên gia Ramon Pacheco Pardo (bìa trái) và Victor Cha (thứ hai từ trái sang) trong một sự kiện tại Brussels (Bỉ) nhằm đánh giá kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần một tại Singapore năm ngoái do KF-VUB Hàn Quốc và CSIS tổ chức. Ảnh: CSIS
EU và cuộc chuyển biến của Triều Tiên
Chính sách ngoại giao khó tiên đoán của Tổng thống Trump là điều kỳ lạ đối với các nước châu Âu. “Mỹ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc, cam kết rút quân khỏi Syria và Afghanistan nhưng duy nhất muốn xây dựng quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Đây là điều khá kỳ lạ và đặc biệt kỳ lạ hơn đối với các nước châu Âu” - nhận xét của ông Victor Cha, chuyên gia về Hàn Quốc tại CSIS.
Với Triều Tiên, Mỹ sẽ dẫn dắt các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, Hàn Quốc sẽ hợp tác trong quá trình hòa giải nhưng châu Âu sẽ là tiếng nói quốc tế quan trọng trong các vấn đề liên quan đến chuyển biến của quốc gia này. TS RAMON PACHECO PARDO, Chủ tịch KF-VUB Hàn Quốc tại Viện Nghiên cứu châu Âu về quan hệ quốc tế thuộc Trường King’s College London |
Đối lập với “tình yêu” dành cho nhà lãnh đạo Triều Tiên, tổng thống Mỹ nhắm thẳng mũi giáo vào châu Âu bằng thuế, lệnh trừng phạt và lời đe dọa rút khỏi NATO sau khi chấm dứt vai trò thành viên của một số tổ chức và hiệp ước quốc tế khác. “Ông Trump có vẻ thích thương thuyết với nhà lãnh đạo Kim hơn là với EU” - TS Pardo nhận định.
EU đã cố gắng thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận đầu tiên của Triều Tiên trong hợp tác kinh tế nhằm đổi lấy việc ngừng thử vũ khí hạt nhân của quốc gia này. Vai trò của EU sẽ càng quan trọng hơn nếu Mỹ, Triều đạt được một thỏa thuận mới. Chuyên gia Victor Cha khẳng định EU và các đối tác phải gánh vác việc cung cấp năng lượng tạm thời cho Triều Tiên nếu đây là điều kiện để cam kết được thông qua.
“EU hy vọng một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân, một hiệp ước hòa bình và tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Các nước EU ngoại trừ Pháp đã bình thường hóa quan hệ với chính phủ tại Bình Nhưỡng. Một số nước có đại sứ quán ở đây và họ thông tin rất rõ tình hình ở Triều Tiên. Tôi nghĩ EU luôn đóng vai trò quan trọng ở cả hai mặt: Bên gây sức ép và bên tham gia hỗ trợ” - chuyên gia Victor Cha nói.
Chính sách cam kết của EU với Triều Tiên Liên minh châu Âu (EU) và CHDCND Triều Tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2001 nhưng trước đó, hai bên từng tổ chức cuộc đối thoại chính trị đầu tiên vào năm 1998. Đại diện của EU tại địa phương được luân phiên bởi một trong bảy nước có đại sứ quán thường trú tại quốc gia này là Bulgaria, Cộng hòa Czech, Đức, Ba Lan, Romania, Thụy Điển và Vương quốc Anh. EU có chính sách cam kết đối với Triều Tiên nhằm giảm căng thẳng trong khu vực và duy trì hòa nhập quốc tế cũng như cải thiện tình hình nhân quyền ở nước này. Các hỗ trợ nhân đạo và phát triển các chương trình giáo dục, nghiên cứu dành cho Triều Tiên là minh chứng cho lời cam kết ấy. |
_______________________
(*) Hà Minh Thu là nhà báo đang làm việc tại đài truyền hình địa phương ở nước Cộng hòa Moldova, châu Âu.