EuroCham: Việt Nam là thị trường đáng tin cậy

(PLO)- Việt Nam kí kết 17 Hiệp định thương mại tự do mang nhiều cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-11, Báo Công Thương tổ chức hội thảo Xuất khẩu vào các thị trường FTA - Giải bài toán phát triển bền vững.

Theo Bộ Công Thương, tính đến nay Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do. Trong đó, ba FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ cho biết, Việt Nam kí kết hàng loạt các FTA mở ra thị trường rộng lớn cho hàng Việt nhưng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức.

Đặc biệt xu hướng EU sẽ tăng cường áp dụng hàng rào phi thuế quan, siết chặt các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường, khí hậu, phát triển bền vững. Xu hướng này tác động lớn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo.

Các doanh nghiệp trao đổi tại hội thảo.

Ở ngành hàng đồ uống, ông Lý Trung Kiên, Trưởng bộ phận Logistic toàn quốc, Công ty Nestle Việt Nam cho biết, với các FTA Việt Nam tham gia đã tạo thuận lợi cà phê Việt Nam phát triển ra nhiều thị trường.

Bên cạnh đó, có trở ngại là xu hướng người tiêu dùng (NTD) các thị trường EU, Mỹ khắt khe hơn khi quan tâm đến nguồn nguyên liệu bền vững. Điều này buộc lòng các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ.

Ngoài ra, Việt Nam không phải là nước duy nhất xuất khẩu cà phê mà còn có Indonesia, Peru, Mexico, Philippines…Do đó, để Việt Nam có thể cạnh tranh với các quốc gia này, việc đầu tư sản xuất chế biến sâu, tự động hóa đòi hỏi DN lên kế hoạch và sẵn sàng.

“Đặc biệt về chỉ dẫn địa lý Việt Nam minh bạch để có thể đáp ứng vấn đề sở hữu trong yêu cầu xuất khẩu cà phê sang các nước”- ông Kiên nói.

Cùng nhìn nhận trên, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, cho biết việc ký kết CPTPP mang đến nhiều lợi thế cho DN thực phẩm Việt Nam.

Tuy nhiên, DN phải đối mặt với một số thách thức như quy tắc xuất xứ của CPTPP, đòi hỏi DN phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn. Đồng thời, DN sẽ phải tập hợp các hồ sơ chứng minh nguồn gốc hàng hoá, chỉ dẫn hàng hoá, C/O...

Theo ông Jean - Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, NTD Châu Âu ngày càng mong muốn sử dụng được những sản phẩm xanh sạch. Ví dụ đối với đồ gỗ DN cần có chứng chỉ FSC- FM (nguyên liệu gỗ có xuất xứ từ những vùng rừng được phát triển bền vững).

Đối với cà phê, NTD Châu Âu quan tâm đến chỉ số carbon phát thải, hệ sinh thái và giải pháp bền vững của các DN.

“Điều quan trọng khi xuất khẩu vào EU các DN cần cho thấy sự quyết tâm đảm bảo chỉ số carbon phát thải. Cần cho NTD Châu Âu thấy được các giải pháp phát triển bền vững cũng sự sẵn sàng của mình.

Song song đó, DN Việt nên xây dựng thương hiệu phát triển bền vững và đáng tin cậy. Từ đó, quảng bá rộng rãi hơn đến NTD Châu Âu. Như vậy, sẽ được thị trường đón nhận mạnh mẽ”- ông Jean - Jacques Bouflet nhấn mạnh.

Theo ông Jean- Jacques Bouflet, Việt Nam là thị trường đáng tin cậy với khối EU vì trong dịch vừa qua hàng Việt Nam vẫn được xuất khẩu sang các thị trường này nên đây là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, Châu Âu đang nhận thấy bị phụ thuộc vào nhập khẩu nên có thể đem một số mặt hàng quay về Châu Âu sản xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm