Trước sự việc một khách hàng ở thị xã Cai Lậy, Tiền Giang có hóa đơn tiền điện trong 6 tháng liên tục y hệt nhau, hay một khách hàng của điện lực TP Ninh Bình có hóa đơn tiền điện 3 tháng liên tiếp giống hệt nhau, ngày 29-6, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng giải thích về sự việc này.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc của EVN, cho biết trong quy trình kinh doanh của EVN cho phép hai trường hợp. Một là, khách hàng ở vùng sâu, vùng xa dùng dưới 15 kWh thì nhân viên điện lực ba tháng đến ghi chỉ số điện một lần để tiết kiệm chi phí đi lại. Với các vùng khác, EVN cho phép nhân viên hai tháng đến ghi chỉ số điện một lần.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN trao đổi thông tin tại cuộc kiểm tra về hóa đơn điện ở một số địa phương phía Bắc, ngày 29-6. Ảnh: AH
Đối với trường hợp ở Cai Lậy, ông Lâm cho hay, do khách hàng để công tơ ở trong nhà nên công nhân không ghi chỉ số được, phải lấy chỉ số tháng 11-2019 để ghi vào các tháng sau. Đến tháng 4-2020, nhân viên điện lực đã gặp và trao đổi với chủ nhà để kiểm tra lại và sau đó tiến hành thoái hoàn cho khách hàng.
Đối với trường hợp ở Ninh Bình, lãnh đạo EVN cho biết hiện Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đang chỉ đạo Công ty Điện lực Ninh Bình kiểm tra lại.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của EVN, chia sẻ hiện còn nhiều hộ gia đình vẫn để công tơ trong khuôn viên nhà mình nên công nhân không tiếp cận được công tơ để ghi chỉ số. Đa phần số công tơ này đều là công tơ cơ.
"Khách hàng thường đi làm suốt cả ngày nên công nhân đến ghi chỉ số không gặp được họ. Thực tế có những tình huống mà khách hàng đi vắng trong nhiều tháng không về nhà. Trong trường hợp đó cho phép công nhân được tạm tính như trong hai tháng gần nhất. Sau khi gặp được khách hàng, họ sẽ tiến hành kiểm tra để xem xét có phải truy thu hoặc thoái hoàn các trường hợp đó không" - Ông Dũng cho biết.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết thêm, trong quy trình kinh doanh ngoài việc cho phép tạm tính hai tháng liên tiếp thì tập đoàn cũng quy định một người ghi chỉ số chỉ được ghi liên tiếp trong 6 tháng. Sau 6 tháng, công ty điện lực sẽ chuyển những người đã ghi ở lộ trình này sang ghi ở một lộ trình khác để đảm bảo tính minh bạch, công bằng.
"Rõ ràng trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số trường hợp sai sót trong quá trình ghi chỉ số, cập nhật các cơ sở dữ liệu, lập hóa đơn, phát hành thông báo, phát hành hóa đơn... Những sự việc này đều sẽ được xử lý" - Ông Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, một hộ dân ở Mỹ Lợi, Nhị Mỹ, thị xã Cai Lậy đã phản ánh với báo chí về việc hoá tiền điện 6 tháng giống hệt nhau.
Nhận được thông tin, Công ty Điện lực Tiền Giang (PC Tiền Giang) lý giải, nguyên nhân hóa đơn điện có mức tiêu thụ 6 tháng giống hệt nhau là do khách hàng đóng cửa nhà thường xuyên, công tơ lại lắp trong nhà. Do đó, nhân viên điện lực không ghi được chỉ số và đã lấy chỉ số với sản lượng tiêu thụ của tháng 12-2019 áp cho 6 tháng.
PC Tiền Giang cho rằng, theo quy định của EVN chỉ được ghi như trên không quá hai lần (tương ứng với các tháng 12-2019, 1-2020). Từ tháng 2-2020, nhân viên điện lực phải tìm mọi cách liên hệ khách hàng để xác nhận lại chỉ số công tơ thực tế, nhưng do chưa liên lạc được nên nhân viên ghi chỉ số đã có sai sót ghi mức tiêu thụ của 2 tháng kế tiếp là 2 và 3-2020 bằng mức tiêu thụ đã tạm ghi trước đó.
Theo PC Tiền Giang, sự việc sai sót này đã được Điện lực Cai Lậy phát hiện và chủ động làm việc với khách hàng, xử lý dứt điểm hóa đơn từ kỳ tháng 4-2020.