G20 khai mạc, kỳ vọng đồng thuận và phục hồi toàn cầu

(PLO)- Hội nghị thượng đỉnh G20 bước vào ngày làm việc đầu tiên với nhiều sáng kiến quan trọng nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, nổi bật là kinh tế, y tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc ở tỉnh Bali, Indonesia ngày 15-11 và sẽ kéo dài đến ngày 16-11.

Với chủ đề “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”, hội nghị tập trung bàn các giải pháp đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi nguy cơ suy thoái, trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với lạm phát nghiêm trọng và các vấn đề kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19. Các cuộc xung đột trên thế giới, nổi bật là xung đột Nga - Ukraine hiện nay, cũng được quan tâm.

Theo đại diện nước chủ nhà Indonesia, từ chủ đề trên, các lĩnh vực ưu tiên thảo luận bao gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, cấu trúc y tế toàn cầu và chuyển đổi kỹ thuật số, hãng tin Reuters cho biết.

Sáng kiến cho khủng hoảng toàn cầu

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhận định thế giới đang phải đối mặt với các thách thức chưa từng có khi khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, tác động rõ nhất đối với vấn đề an ninh lương thực và năng lượng.

G20 ra đời năm 1999 và mọi quyết định được G20 đồng thuận đều có ý nghĩa quan trọng. G20 bao gồm cả các nước phát triển lẫn đang phát triển, mới nổi, chiếm khoảng 2/3 dân số, 85% tổng sản lượng kinh tế thế giới và 75% tổng quy mô thương mại toàn cầu, theo The Guardian.

Ông Widodo báo động rằng các cuộc xung đột và chiến tranh cần chấm dứt, nếu không thế giới sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức. Với vai trò là chủ tịch G20, Indonesia đã cố gắng hết sức có thể để làm cầu nối thu hẹp các khác biệt, đồng thời kêu gọi các nước thành viên khác thể hiện thành ý, đoàn kết, ít nhất là trong vấn đề kinh tế.

“Chúng ta không có lựa chọn nào khác, hợp tác là điều cần thiết để cứu thế giới. G20 không chỉ có trách nhiệm đối với người dân của chúng ta mà còn với người dân thế giới. Thế giới không được chia rẽ và chúng ta không để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh khác” - ông Widodo chia sẻ. Cũng theo ông Widodo, thế giới đang kỳ vọng và chờ đợi vào những quyết định quan trọng của G20 và G20 không được thất bại.

Quang cảnh phiên làm việc ngày 15-11 Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia. Ảnh: GETTY IMAGES

Quang cảnh phiên làm việc ngày 15-11 Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia.
Ảnh: GETTY IMAGES

Trong phiên làm việc ngày 15-11, các thành viên G20 đã thảo luận về một số thỏa thuận trợ giúp các nước đang hứng chịu tình trạng thiếu lương thực và năng lượng nghiêm trọng, nhất là tại châu Phi. Trước thềm hội nghị, ngày 14-11, G20 công bố sáng kiến được hoan nghênh là Quỹ đối phó với các đại dịch tương lai, hiện nhận được đóng góp 1,4 tỉ USD từ Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác.

Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch dùng hội nghị G20 năm nay để quảng bá sáng kiến “Đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu” - một nỗ lực hợp tác của G7 nhằm huy động 600 tỉ USD tài trợ trong năm năm cho các nước có thu nhập thấp và trung bình. Còn Nga xúc tiến sáng kiến hợp tác khí đốt với Thổ Nhĩ Kỳ cùng các thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, theo tờ The Guardian.

Các nước cũng thảo luận các biện pháp đồng bộ hóa các thủ tục y tế nhằm thúc đẩy các hoạt động đi lại toàn cầu, tăng tốc phục hồi kinh tế. Theo nước chủ nhà Indonesia, các tiêu chuẩn giao thức y tế toàn cầu dựa trên hộ chiếu kỹ thuật số có thể được sử dụng trong trường hợp xảy ra đại dịch trong tương lai. Đồng bộ hóa các tiêu chuẩn giao thức y tế toàn cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển hàng hóa và con người, giúp nền kinh tế vẫn tiếp tục hoạt động, đồng thời cung cấp khả năng tiếp cận các công cụ và thuốc men cần thiết trong đại dịch.

Thách thức về đồng thuận

Vẫn còn chỉ dấu cho thấy không phải đồng thuận nào ở Bali cũng sẽ đạt được dễ dàng. Hồi tháng 7, tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao G20, các thành viên G20 đã không thông qua được thông cáo chung, vốn đã được lên kế hoạch từ trước, nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lương thực và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine, theo đài CNN.

Indonesia thời gian qua rất nỗ lực duy trì sự cân bằng tại hội nghị G20 khi khước từ các yêu cầu từ phương Tây và Ukraine về việc loại trừ Nga khỏi các hoạt động của nhóm. Jakarta đã nỗ lực mời lãnh đạo Nga và Ukraine tới Bali dự họp - động thái được kỳ vọng có thể mở ra một cuộc đàm phán hòa bình cấp cao.

Tuy vậy, Tổng thống Vladimir Putin đã không dự sự kiện trực tiếp, thay ông là Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng không tới Indonesia mà phát biểu trực tuyến với vai trò khách mời.

Trên thực tế, cuộc xung đột Ukraine trong ngày làm việc đầu tiên đã được nhắc nhiều lần ở Bali, thậm chí gây ra tranh cãi, bởi tác động sâu rộng của nó đến an ninh lương thực và năng lượng. Mỹ và các đồng minh châu Âu tiếp tục các diễn ngôn cứng rắn yêu cầu các thành viên khác quyết liệt hơn với Nga. Còn phái đoàn từ Moscow tuyên bố những yêu cầu của phương Tây để lập lại hòa bình ở Ukraine là “phi thực tế”.•

Ông Zelensky công bố kế hoạch hòa bình 10 điểm tại G20

Phát biểu trực tuyến tại hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất một kế hoạch hòa bình 10 điểm và kêu gọi các lãnh đạo G20 ủng hộ: 1. An toàn bức xạ và hạt nhân; 2. An ninh lương thực; 3. An ninh năng lượng; 4. Trả tự do cho tù nhân và người bị trục xuất; 5. Thực hiện Hiến chương Liên Hợp Quốc; 6. Rút quân Nga và chấm dứt chiến sự; 7. Công lý; 8. Diệt khuẩn và bảo vệ môi trường; 9. Ngăn ngừa leo thang; 10. Xác nhận chiến tranh kết thúc. Ông Zelensky cũng đề xuất một cuộc trao đổi tù nhân “tất cả lấy tất cả” với Nga.

Ông Zelensky đề nghị các lãnh đạo G20 sử dụng mọi quyền hạn họ có để khiến Nga từ bỏ các đe dọa hạt nhân và áp giá trần lên năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Trong khi đó, ngày 15-11, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn điện Kremlin, nói phía Nga đã xem bản đề xuất của ông Zelensky nhưng tin rằng phía Ukraine không thực sự muốn đàm phán. Ông Peskov cũng nói phía Nga sẽ tiếp tục hướng tới các mục tiêu đang theo đuổi của chiến dịch quân sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm