Video: Gà ngoại giá rẻ đang 'giết chết' gà trong nước |
Ngày 7-5, ghi nhận tại một số chợ lẻ, người bán cho biết, hiện nay giá gà các loại đã hạ như: cánh gà 70.000-80.000 đồng/kg, đùi gà góc tư 55.000-60.000 đồng/kg, ức nạc 80.000 đồng/kg, cánh 70.000đồng/kg.
Trong khi đó tại một số siêu thị, gà nhập khẩu có giá rẻ như: đùi tỏi Mỹ đông lạnh 49.000 đồng/kg, gà dai Đài Loan 62.900 đồng/kg, gà Úc nguyên con nhập khẩu trực tiếp giá 59.000 đồng/kg.
Gà nhập khẩu trực tiếp từ Úc bán tại siêu thị. ẢNH: TÚ UYÊN |
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ cho hay, hiện nay nguồn gà nhập khẩu về Việt Nam giá rẻ trong khi sức sản xuất của ngành chăn nuôi gia cầm dồi dào nên gà trong nước không tiêu thụ được, dẫn đến nguồn cung càng dư thừa.
Nguồn gà nhập về Việt Nam gồm phụ phẩm, nước ngoài hạ giá để bán vì nếu không cũng tốn chi phí xử lý. Thứ hai là hàng cận hạn sử dụng nếu không bán đổ bán tháo thì phải tiêu hủy, tiêu hủy họ cũng mất chi phí.
“Bên cạnh đó, gà thải loại nước ngoài thường dùng để làm thức ăn cho vật nuôi, nếu mình kiểm soát không tốt gà thải loại sẽ tràn về Việt Nam”, ông Quyết nhấn mạnh.
Theo ông Quyết, các trang trại chăn nuôi lớn hiện nay cũng áp dụng khoa học công nghệ nên cho năng suất cao, giá thành thấp còn chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ gần như không còn nữa.
Tuy nhiên, giá thành chăn nuôi gà của Việt Nam trên dưới 30.000 đồng/kg nhưng chỉ bán 60%-70% giá thành sản xuất, tương đương khoảng 20.000 đồng/kg. Vì vậy, không thể “đấu được” với hàng nhập khẩu.
Những người chăn nuôi gia cầm gần như phá sản vì giá gà rất thấp bắt đầu từ dịch COVID-19 đến cuối năm 2022 và kéo dài đến nay. Vì vậy, 70%-80% các hộ chăn nuôi gia công, nuôi liên kết đã treo chuồng.
Đùi gà tỏi đông lạnh Mỹ giá 49.000 đồng/kg. ẢNH: TÚ UYÊN |
Ông Quyết cũng cho rằng, bây giờ ngành chăn nuôi không có giải pháp căn cơ, không cân đối được cung cầu dẫn đến lúc thừa lúc thiếu. Hiện nay chăn nuôi gia cầm đang trong khủng hoảng thừa. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần đứng ra cân đối nguồn cung, trong đó cần nâng cao hàng rào kĩ thuật đối với hàng nhập khẩu.
Tương tự, ông Lê Đình Tuấn Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi gà Tâm Việt (Đồng Nai) cho biết, do ảnh hưởng từ COVID-19 đến nay giá gà thấp nên người chăn nuôi lỗ nặng, phải giảm đàn. Cộng với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hàng hóa các nước nhập vào Việt Nam thuế bằng 0. Song song đó, hàng rào kỹ thuật Việt Nam chưa tốt nên gà nước ngoài nhập về Việt Nam dễ dàng.
Đa số gà nhập về Việt Nam có giá thành thấp chủ yếu là phế phẩm như gà không đầu, cánh, cổ, gà thải. Trong khi gà Việt Nam xuất khẩu đòi hỏi nhiều quy định như làm lạnh bằng không khí, các thủ tục phức tạp nên gà Việt Nam không xuất nhiều.
Ông Kiệt nói thêm, nguồn nguyên liệu chăn nuôi Việt Nam đa số nhập từ nước ngoài như: bắp, đậu tương, thuốc thú y…cộng công nghệ chăn nuôi, nhân công rẻ hơn nên gà công nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh.
“May mắn hợp tác xã đã chuyển đổi nuôi gà ta thả vườn cách đây vài năm nhưng vẫn ảnh hưởng bởi tình hình gà ngoại nhập giá rẻ. Do đó, hợp tác xã đã giảm đàn đến 50%. Chúng tôi vẫn tiếp tục chọn hướng chăn nuôi “khác biệt” để tiếp tục tồn tại phát triển”, ông Kiệt nói.
Theo thống kê số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I, Việt Nam nhập khẩu gần 130,46 ngàn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 271,36 triệu USD.
Các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh…