Nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu do được giảm thuế về 0% ngay khi Hiệp định thương mại Việt Nam (VN) - EU (EVFTA) có hiệu lực. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh như trên tại hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU thực thi có hiệu quả hiệp định EVFTA”. Hội nghị do Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, UBND TP.HCM tổ chức ngày 30-6.
Chuẩn bị hàng xuất sang EU
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết công ty đã chuẩn bị sẵn sàng cho cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu khi hiệp định chính thức có hiệu lực.
Hiện thuế suất EU đang áp lên gạo VN là thuế tuyệt đối 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm và 211 EUR/tấn với thóc. Sắp tới, theo cam kết của EVFTA, hạn ngạch đối với gạo xay xát và gạo thơm sẽ là 80.000 tấn, thuế trong hạn ngạch là 0%. Đáng mừng là xu hướng sử dụng gạo ở EU tăng lên với mức trung bình là 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, điều băn khoăn mà ông Bình đặt ra là muốn xuất khẩu gạo sang EU phải được xác nhận theo quy định trong dự thảo “Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch” đang được Bộ NN&PTNT lấy ý kiến.
Theo đó, nghị định dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1-8 tới đây. Nhưng đa số các công ty xuất khẩu vẫn chưa nắm rõ quy trình, thủ tục, hồ sơ đầy đủ hợp lệ cho lô hàng gạo xuất khẩu sang EU để được ưu đãi. Mặt khác, các đơn vị xuất khẩu gạo cho rằng việc đưa xác nhận chủng loại gạo vào nội dung quản lý và điều chỉnh của nghị định là quá phức tạp, tốn kém. Do vậy, Nhà nước cần nghiên cứu những cách quản lý thông thoáng hơn.
“Tôi không rõ là phía EU có đưa ra quy định này không, tại sao VN phải làm, vì từ khi có dự thảo đến khi ban hành nghị định rất mất thời gian. Chúng tôi muốn xuất hàng sớm thì phải làm sao, xin xác nhận có thêm thủ tục hành chính?” - ông Bình đặt câu hỏi.
Trả lời thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết VN và EU đã thống nhất chủng loại gạo và những yêu cầu cần đáp ứng khi xuất khẩu. Chính vì vậy, các lô hàng xuất khẩu phải có sự xác nhận và kiểm soát từ phía VN nhằm đảm bảo đúng chủng loại, đúng chất lượng theo yêu cầu. Hiện Bộ Công Thương đã thống nhất với Bộ NN&PTNT để xây dựng nghị định. Trong đó có hướng dẫn việc đăng ký và cơ quan quản lý nhà nước cấp xác nhận chủng loại gạo.
“Trong trường hợp nghị định không kịp hoàn thành, Bộ Công Thương sẽ cố gắng tham vấn và làm việc với Bộ NN&PTNT cũng như phía châu Âu để có một cơ chế tạm thời giải quyết cho các lô gạo đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu khi hiệp định có hiệu lực” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Hạt điều Việt Nam trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ được thị trường EU ưa chuộng. Ảnh: QUANG HUY
Bán hàng sang EU qua sàn thương mại điện tử
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas), cho biết với hiệp định EVFTA, các DN sẽ có cơ hội gia tăng xuất khẩu. Hiện nay nhiều công ty đã chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ sở vật chất, năng lực để xuất khẩu vào EU như tài chính, nguồn nhân lực, nhà máy, công nghệ.
“Thị trường EU hiện rất ưa chuộng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ, có thể truy xuất nguồn gốc như hạt điều. Vì thế nhiều công ty đã chuẩn bị từ trước, quy hoạch được vùng nguyên liệu sạch, trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ” - ông Giang cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin: Để hỗ trợ DN khai thác hiệu quả hiệp định EVFTA, sắp tới bộ sẽ xây dựng và giới thiệu sàn thương mại điện tử với EU để đưa hàng hóa VN nhanh chóng tiếp cận thị trường này.
Sàn thương mại điện tử này sẽ kết hợp với các công cụ tiếp cận khai thác thị trường thông qua công cụ xúc tiến thương mại, công cụ về xuất nhập khẩu điện tử. Đồng thời, kết nối hàng loạt quy định về thương mại, đầu tư, công nghệ… Với 89% DN Việt là nhỏ và vừa sẽ rất thuận lợi để có thể khai thác những lợi thế của sàn thương mại điện tử để có mức tăng trưởng đột biến tại thị trường EU.
Bên cạnh đó, hiện Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 11 để có hướng dẫn về chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm khi xuất khẩu sang EU. Điều này sẽ giúp rất nhiều cho cộng đồng DN thâm nhập thị trường hiệu quả.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cũng cho biết sẽ có đoàn công tác vào làm việc với DN để hướng dẫn, hỗ trợ cụ thể về các hồ sơ cần có để được hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang EU. Trên cơ sở đó sẽ mở rộng mô hình và thông tin cho các đơn vị khác nhằm tận dụng tốt cơ hội mà hiệp định mang lại cho VN.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu Với hiệp định EVFTA, sau khi được ký kết và có hiệu lực thì nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của VN có thể tiếp cận được một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 15.000 tỉ USD. Trong khi nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp chỉ chiếm 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng nước ta còn rất nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này. Để nắm bắt cơ hội và khai thác tốt thị trường EU, nước ta phải đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, hướng sâu vào nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói… Trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết nhằm hỗ trợ cộng đồng DN tiếp cận và mở rộng các thị trường mà VN đã ký kết hiệp định thương mại như EVFTA, TP.HCM đã tổ chức các hội thảo, hội nghị… để tuyên truyền các nội dung của hiệp định. “TP.HCM đang tập trung xây dựng đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng 2030 theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. TP.HCM sẽ là trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam. Bên cạnh đó, TP sẽ cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng xuất khẩu các sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao như phần mềm, sản phẩm nội dung số…” - chủ tịch TP.HCM chia sẻ. |