Gặp khó về nguồn cung, COVAX tiếp tục hạ mục tiêu phân phối vaccine thêm 25%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng kiến phân phối vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu COVAX đang đối mặt nhiều thách thức và nguồn cung vaccine cho COVAX trong năm nay ước tính sẽ giảm khoảng 1/4, tờ South China Morning Post đưa tin.

Sau hơn nửa năm kể từ khi lô vaccine đầu tiên được phân phối trong khuôn khổ COVAX, sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra.

Hôm 8-9, nhóm các tổ chức điều phối COVAX cho biết đến cuối năm nay, sáng kiến này có thể chỉ tiếp cận được 1,425 tỉ liều vaccine. Trước đó, trong dự báo được công bố hồi tháng 6, con số là 1,9 tỉ liều, vẫn thấp hơn mức kỳ vọng ban đầu. 

Một lô vaccine ngừa COVID-19 được phân phối tới Uganda theo chương trình COVAX. Ảnh: GAVI

Mục tiêu ban đầu của COVAX là phân phối 2 tỉ liều vaccine trong năm 2021, nhưng bây giờ, các đơn vị điều phối COVAX đánh giá phải tới quý 1 năm 2022 mới đạt được cột mốc 2 tỉ liều. Theo số liệu mới nhất, chỉ khoảng 243 triệu liều vaccine đã được giao theo chương trình COVAX.

Hiện nay, chỉ khoảng 1/5 dân số tại các nước có thu nhập thấp được tiêm từ một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi các nước có thu nhập cao đạt độ bao phủ vaccine lên tới hơn 4/5 dân số.

Theo công ty phân tích và khoa học dữ liệu Airfinity (Anh), chưa đầy 15% trong tổng số hơn 1 tỉ liều vaccine mà nhóm G7 và các nước Liên minh châu Âu (EU) cam kết đã được chuyển tới các nước được viện trợ.

Các nước giàu bị chỉ trích vì không hành động đủ mạnh mẽ để chia sẻ vaccine cho các nước nghèo hơn và triển khai mũi vaccine tăng cường trong khi nhiều nước có thu nhập thấp vẫn chưa có đủ vaccine cho ít nhất 20% dân số.

Ngày 8-9, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa kêu gọi các nước hoãn triển khai mũi vaccine tăng cường. Ông Tedros cũng chỉ trích các đơn vị sản xuất vaccine, cho rằng việc ưu tiên vaccine cho các nước giàu đã khiến các nước có thu nhập thấp “bị tước đoạt công cụ để bảo vệ người dân”.

Nhà sản xuất cam kết nhiều nhưng giao hàng cho COVAX chậm

Tuần trước, ông Seth Berkley, giám đốc điều hành Liên minh vaccine GAVI - một trong các tổ chức đồng điều phối COVAX, lưu ý rằng các công ty sản xuất vaccine đã cam kết cung cấp cho COVAX 4 tỉ liều vaccine nhưng việc giao hàng bị trì hoãn.

Ông Berkley đặt ra nghi ngờ không biết việc chậm bàn giao vaccine là do khó khăn trong sản xuất hay vì các đơn vị sản xuất vaccine ưu tiên cho các khách hàng khác.

Do làn sóng COVID-19 kinh hoàng tại Ấn Độ cách đây vài tháng, nguồn cung vaccine - loại được sản xuất tại Ấn Độ theo giấy phép của hãng AstraZeneca (Anh) - đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện nay, Ấn Độ vẫn đang áp dụng một số hạn chế về xuất khẩu loại vaccine này.

Ngoài ra, các thách thức về sản xuất còn ảnh hưởng tới nguồn cung vaccine Johnson&Johnson và việc sản xuất vaccine AstraZeneca ở các nước khác (ngoài Ấn Độ). Sự chậm trễ trong việc thử nghiệm và đánh giá các ứng viên vaccine của Novavax (Mỹ) và Clover (Trung Quốc) - hai đơn vị cam kết hỗ trợ vaccine cho COVAX - cũng làm giảm khả năng tiếp cận vaccine của sáng kiến này.

Mặc dù các dự báo cho thấy tiến độ bàn giao vaccine của COVAX có thể được cải thiện trong vài tháng tới, có vẻ như những nỗ lực này vẫn là chưa đủ nhanh.

Trưởng nhóm khoa học của WHO, Soumya Swaminathan chỉ ra rằng hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 người chết vì COVID-19. Bà Swaminathan nhấn mạnh rằng sự chết chóc do COVID-19 vẫn diễn ra khi bước sang tháng thứ 20 của đại dịch “không phải là điều chúng ta nên thấy”, đặc biệt là khi chúng ta có tất cả công cụ phòng chống dịch được phát triển trong một thời gian kỷ lục. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm