Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau bên lề hội nghị G20 ở Hamburg (Đức) tuần tới. Thông tin này vừa được cả điện Kremlin và Nhà Trắng xác nhận. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nguyên thủ Mỹ và Nga sau khi Mỹ có tổng thống mới.
Theo CNN, với ông Trump vốn đang gặp phiền toái lớn vì các cuộc điều tra của FBI và Quốc hội về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử và thông đồng với đội tranh cử của ông thì việc gặp ông Putin là một sự rủi ro.
Cuộc gặp nhạy cảm
Hơn năm tháng qua, điều ảnh hưởng lớn nhất đến công việc tổng thống của ông Trump có thể nói không ai khác ngoài Nga và ông Putin. Và điều này giải thích lý do vì sao cuộc gặp hết sức nhạy cảm với cả hai, đặc biệt với ông Trump. Ngay cả việc ông Trump bắt tay, ngồi xuống nói chuyện với ông Putin có thể sẽ lại là đề tài bàn tán, như đã xảy ra với các bức ảnh ông cười với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Đại sứ Nga Sergey Kislyak tại Nhà Trắng hồi tháng 5.
Thông thường các cuộc gặp giữa các nguyên thủ phải được lên kế hoạch cẩn thận dù là cuộc chạm mặt ở hành lang, hay ngồi nói chuyện riêng tư, hay gặp chính thức có cả trợ lý và phiên dịch tham gia. Tuy nhiên, đến lúc này cả hai nước đều chưa thống nhất thời gian, địa điểm hay cách thức tổ chức cuộc gặp, chứ chưa nói nội dung sẽ bàn trong cuộc gặp. Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn tổng thống Nga, nói Nga sẵn sàng chấp nhận bất kỳ hình thức gặp nào “thuận tiện cho Mỹ”.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R. McMaster cố giảm nhẹ tính nghiêm trọng của cuộc gặp khi nói nó không có gì khác biệt so với các cuộc gặp của ông Trump với lãnh đạo các nước khác. Ngoài ông Putin, bên lề G20 tại Đức ông Trump còn gặp thêm tám nguyên thủ nữa, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe...
Bức ảnh Tổng thống Trump (giữa) tươi cười tiếp đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Đại sứ Nga Sergey Kislyak tại Nhà Trắng hồi tháng 5 gặp nhiều chỉ trích. Ảnh: CBS NEWS
Ông Putin dường như hiểu thế khó của ông Trump, mô tả rằng Mỹ đang bị phong tỏa trong “chứng tâm thần phân liệt về chính trị”, ngăn cản ông Trump cải thiện quan hệ với Nga.
Ông Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga, cho biết ông có nghe quan điểm từ điện Kremlin là: “Chúng tôi hiểu tính phức tạp của tình huống này. Chúng tôi không vội, chúng tôi có thể đợi đến khi bụi mờ lắng xuống”. Theo ông Kortunov, Nga không muốn có bất kỳ cuộc gặp hay thỏa thuận nào có nguy cơ đưa ông Trump vào một tình thế rắc rối hơn cả tình trạng hiện nay.
Không mong gì nhiều ở một cuộc gặp
Theo các nhà quan sát, đừng trông đợi quá nhiều vào một cuộc gặp giữa hai ông Trump và Putin. Một cuộc gặp không thể giải quyết mọi vấn đề giữa hai nước.
Theo các nhà quan sát chính trị cả ở Nga và ở Mỹ, không nghi ngờ gì cả hai ông Trump và Putin đều rất muốn gặp nhau. Hai ông Trump và Putin có rất nhiều bất đồng muốn nói với nhau quanh Ukraine, Syria, vũ khí hạt nhân và cả cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Nga vẫn đang giận dữ với quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump, trả đũa Nga tấn công mạng can thiệp bầu cử Mỹ. Cùng với quyết định này, ông Obama còn cho tịch thu hai khu phức hợp ngoại giao Nga ở Mỹ.
Ông Putin thời điểm đó nói không trả đũa, vì đợi động thái của chính phủ thời ông Trump. Tuy nhiên, mới đây Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo sẽ trừng phạt ngoại giao Mỹ nếu Mỹ không trả lại hai khu phức hợp ngoại giao này.
Khẳng định không ai ở Nga ảo tưởng mọi bất đồng sẽ được giải quyết qua một cuộc gặp, nhà quan sát Nga Dmitry Suslov cho rằng cái mà Nga chờ đợi chỉ là lời nói của ông Trump sẵn sàng bình thường quan hệ với Nga. Và với ông Putin, vậy là đã đủ. Chừng đó đủ để ông Putin chứng minh với trong nước rằng Nga không bị cô lập, rằng Mỹ vẫn tôn trọng và sẵn sàng hợp tác với Nga.
“Ông Putin sẽ chờ nghe ông Trump cam kết sẽ không để quan hệ xấu hơn, dù rằng một lời hứa miệng dường như là điều cao nhất mà chúng tôi có thể đạt được từ chính phủ Trump lúc này” - ông Suslov nói với CNN.