Gặt lúa ở Sài Gòn

Quận Bình Thạnh không cách xa trung tâm thành phố là bao, khoảng vài lần quẹo xe, vài khúc dừng đèn đỏ, ước chừng mươi phút chạy xe máy. Phường 28 lại chẳng phải xa xôi.

Cánh đồng duy nhất giữa nội thành

Chạy xe ven đường Bình Quới còn thấy ầm ì những quán hàng sang trọng, nào quán cà phê sân vườn, nào nhà hàng tiệc cưới. Trai gái tóc xanh tóc đỏ, nói cười rổn rảng. Ấy vậy mà nơi đây lại là vùng đất quê duy nhất giữa Sài thành, tồn tại bao đời nay thâm canh lúa má, ruộng vườn, ao cá, chăn heo, nuôi gà…

Một sáng ngày cuối năm, nhận được điện thoại của chị Thương - một nông dân ở phường 28 thông báo rằng ở đây đang vào vụ gặt, tôi cuống cuồng chạy xe tít tắp từ Bình Chánh ngược lên, rẽ phố về với làng. Con đường làng dẫn ra cánh đồng lúa bé tí tẹo, đoạn trải bê tông, đoạn rải sỏi lóc xóc.

Ở phường 28, lúa không được trồng quy củ vào hẳn một vùng, mỏi cánh cò bay như những cánh đồng mẫu lớn mà rải rác, lác đác từng khu ruộng một. Cũng là đất ruộng đấy nhưng chỗ thì được thả sen nuôi cá, chỗ lại bị bỏ hoang để lau lác liếm, chỗ trồng lúa. “Đất quy hoạch mà chị, với lại trồng lúa năng suất kém lại vất vả, bán không được giá, cứ sống giật gấu vá vai nên bà con người chuyển qua nuôi cá, thả sen, kẻ chạy đi làm mướn. Ngày trước, người ta trồng lúa nhiều lắm” - chị Thương cho biết.

Anh Hùng và bà Sáu chăm chỉ gặt lúa. Ảnh: YẾN HOA

Nhà chị Thương ở tổ 29, trông ra cánh đồng lúa đang nhuộm vàng dưới nắng. Tôi theo chị cầm liềm ra đồng. Đường ruộng lầy lội, nhiều đoạn xâm xấp nước, ngón chân phải bám chặt xuống dưới bùn để không bị té. Chị Thương còn trẻ lắm, mới 35 tuổi đã có hai nhóc tì, trai bảy tuổi, gái ba tuổi. Chồng chị làm công thuê cho một cửa hàng nhôm kính trên quận 1, lương tháng hơn 3 triệu đồng. Chị là gái quê chính gốc, tít miệt Sóc Trăng. Lấy chồng về Sài Gòn rồi cũng làm nông, thế nên chị rành lắm. Vợ chồng chị được cha mẹ chồng cho hai công ruộng (tương đương 2.000 m2) làm vốn riêng sinh sống. Theo chồng đã bảy năm, chồng đi làm mướn từ sáng đến tối mới trở về, chị ở nhà chăm bẵm vườn tược và hai công ruộng. “Làm ruộng bán mặt bán lưng mà chuột bọ nhiều, thóc lúa ít, vụ nào trúng lắm mới được 20 giạ/công, mỗi giạ bằng 22 kg thóc, còn thường thì chỉ được 15, 16 giạ/công đã là cao. Nhưng mà làm ruộng còn có gạo để ăn, không mất tiền đong, lại có thóc để nuôi gà, vịt rồi nuôi cá. Lúa này có bán cũng bèo lắm, chừng vài chục ngàn đồng một giạ, mà họ chỉ mua về cho gà, vịt ăn thôi…” - chị Thương bộc bạch.

Quãng đường ra ruộng cũng gần mà tôi chực té lên té xuống. Còn chị thì cứ thoăn thoắt đi, một vài vạt cỏ ấu dính vào gấu áo. Hỏi chị làm ruộng thế này có đủ sống không. Vừa gạt vạt lúa phía trước, chị vừa phân trần nếu mà làm ruộng không thì sẽ chẳng đủ sống lại còn nuôi hai con học hành. Nhà chị còn có chồng đi làm mướn, còn tăng gia thêm con vịt, con gà và thả chút cá ngoài ao nên đời sống cũng bớt phần nhọc nhằn.

Vụ mùa này, chị ước chừng cũng chỉ được chừng 14 giạ/công như năm ngoái. “Vụ mùa năng suất thường kém hơn vụ hè thu”.

Ruộng nhà chị nước to, lội đến quá đầu gối. Những bông lúa chen nhau, từng hạt thon dài vàng ruộm. Ruộng nhà bên vẫn đầy ắp bông, chưa gặt. Nhà xa nữa thì đã trống thửa, những gốc rạ chổng chơ lên trời… Chị thoăn thoắt đưa liềm gặt. Chị sẽ gặt để đó rồi bữa mai chồng chị nghỉ sẽ phụ đập lúa. Tôi lưỡng lự đứng trên bờ, hít hà mùi lúa mới thơm dìu dịu, nghe được cả vị sữa ngọt đầu môi. Cảm giác thân thuộc như những tháng ngày thôn quê của ký ức. Chỉ có điều là tôi đang đứng giữa Sài Gòn.

Ước mơ bên ruộng lúa

Ruộng nhà anh Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi, tổ 18, phường 28, quận Bình Thạnh) nằm ven con kênh nhỏ trồng đầy sen, cạnh đình Bình Quới.

Anh Hùng đang hì hụi đập lúa, chiếc đập được quây bạt đặt giữa bốn bề nước. Ruộng ba công đã gặt được phân nửa. Bà Sáu - thím anh đã 75 tuổi vẫn đang chăm chỉ, thoăn thoắt đưa liềm gặt lúa giúp anh. Nhà bà cũng có hai công ruộng mới gặt xong. Bà tươi cười nói vụ mùa này được mùa hơn năm ngoái, chừng khoảng 16 giạ/công. Tôi hỏi vợ anh đâu mà anh phải một mình gặt với thím thế này. Người đàn ông quê lam lũ, tuổi đã vắt sang bên kia dốc cuộc đời, vừa đập lúa vừa nói như nghẹn giọng: “Vợ tôi bị viêm gan, mất tám tháng nay rồi. Giờ chỉ còn hai cha con thôi, con gái tôi tám tuổi đang học lớp 3”.

Sáng nay anh ra đồng sớm lắm. Anh tranh thủ gặt sớm cho xong còn đi làm mướn để sắm sửa tết cho con. Hỏi anh làm mướn là làm nghề gì. Anh nói gì cũng làm, ai mướn gì làm nấy, miễn là công việc lương thiện để có tiền lo cho con.

Cha mẹ anh, ông bà anh đều làm nông, đến đời anh cũng làm nông. Nhà anh bao nhiêu đời làm nông là bấy nhiêu đời nghèo khó, ruộng vườn vẫn là thứ tài sản duy nhất. Trước mỗi vụ lúa, anh đều phải đi vay nóng vài triệu đồng với lãi suất cao để lo tiền phân gio, giống má, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, trừ chuột bọ... Khi nào gặt hái xong xuôi, bán lúa đi thì trả tiền. Nhưng lúa này bán không được giá, chỉ mấy ngàn đồng một ký, chỉ có người trong làng mua về cho gà, vịt, nuôi cá. Thế nên tiền nợ vụ trước cứ chồng lên vụ sau, dây dưa mãi chẳng trả hết…

Anh chia sẻ con gái anh ngoan và học giỏi lắm, năm nào cũng được giấy khen học sinh giỏi, sau này anh chẳng để con gái anh làm nông đâu, anh sẽ kiếm tiền để con gái anh được ăn học đàng hoàng, sẽ làm cô giáo, bác sĩ chứ chẳng như cha nó mới biết chút mặt chữ đã phải thất học.

Mùi lúa mới thơm dìu dịu, mùi bùn xộc lên ngai ngái. Anh Hùng và bà Sáu vẫn ráng cho xong ruộng lúa rồi mới về ăn cơm. Nhìn họ như những con gõ kiến nhỏ, nhấp nhô, nhấp nhô. Phía bên kia sông, sau lưng những người nông dân nghèo khó là những tòa nhà cao chọc trời bên quận 1. Gió ven sông Sài Gòn thao thiết thổi, tiếng sà lan chở cát, đá ngoài sông hụ còi ầm ào chạy.

 

Mỗi năm hai vụ, vụ hè thu vào tháng hè và vụ mùa vào những ngày cuối năm. Lúa trồng là giống lúa mới phù hợp với tính đất cát ở vùng này thế nên dù lúa cứng, năng suất không cao nhưng vẫn trồng.

Chị THƯƠNG, nông dân phường 28,
quận Bình Thạnh, TP.HCM

   

YẾN HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm