Gaza: Mỹ cùng lúc hành động quyết liệt nhiều mặt trận

(PLO)- Từ việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn theo các bước trong thỏa thuận ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất cùng lúc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có chuyến công du thứ 8 đến Trung Đông, có thể thấy Mỹ đang quyết liệt trong hành động nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Gaza.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-6, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn theo các bước trong thỏa thuận ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất. Đây là nghị quyết đầu tiên của HĐBA kêu gọi chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến ở Gaza sau 8 tháng giao tranh, được thông qua trong bối cảnh Washington đang hành động quyết liệt hơn ở Dải Gaza.

Nỗ lực gấp đôi của Mỹ

Nghị quyết hôm 10-6 được 14 thành viên của HĐBA ủng hộ, chỉ có Nga bỏ phiếu trắng. Theo hãng tin Reuters, nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas thống nhất thỏa thuận ngừng bắn là kết quả sau sáu ngày đàm phán đầy nỗ lực của Mỹ với các thành viên còn lại của HĐBA.

Nghị quyết kêu gọi Israel và Hamas kết thúc xung đột tại Dải Gaza theo kế hoạch gồm 3 giai đoạn: (1) Israel rút quân khỏi Gaza, 2 bên ngừng giao tranh; (2) các bên bắt đầu trao trả con tin, người Palestine bị giam trong các nhà tù ở Israel; (3) bắt đầu quá trình tái thiết Gaza.

Nghị quyết thúc đẩy Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và kêu gọi cả Israel và Hamas “thực hiện đầy đủ các điều khoản trong thỏa thuận một cách không chậm trễ và vô điều kiện”.

Cũng theo nghị quyết này, Mỹ, Qatar và Ai Cập sẽ “làm việc để đảm bảo các cuộc đàm phán tiếp tục diễn ra cho đến khi đạt được tất cả các thỏa thuận để giai đoạn hai có thể bắt đầu”.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas
Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nghị quyết do Mỹ soạn thảo về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel-Hamas, hôm 10-6 tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở TP New York (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết Israel đã đồng ý với thỏa thuận được đưa ra trong dự thảo nghị quyết và kêu gọi Hamas cũng làm như vậy. “Hamas giờ đây có thể thấy rằng cộng đồng quốc tế đoàn kết với một thỏa thuận sẽ cứu sống và giúp thường dân Palestine ở Gaza tái thiết và hàn gắn vết thương” - bà Thomas-Greenfield nói.

Đại Israel tại LHQ Gilad Erdan có mặt tại phiên bỏ phiếu nhưng không phát biểu trước hội đồng. Thay vào đó, nhà ngoại giao cấp cao người Israel tại LHQ - bà Reut Shapir Ben Naftaly nói rằng mục tiêu của Israel trong cuộc chiến không thay đổi và nước này sẽ sử dụng các hoạt động quân sự để giải thoát con tin. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Israel cũng lưu ý rằng nếu giới lãnh đạo Hamas thả tất cả con tin và đầu hàng thì “sẽ không có một phát súng nào được bắn ra”.

Về phía phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas, nhóm bày tỏ sự “hoan nghênh” với nghị quyết của HĐBA, rằng nhóm sẵn sàng hợp tác với các nhà hòa giải để thực hiện các nguyên tắc của nghị quyết “phù hợp với yêu cầu của người dân và lực lượng kháng chiến của chúng tôi”.

Theo tờ The New York Times, nghị quyết ngày 10-6 của HĐBA cũng cố thêm sức mạnh cho chuyến công du thứ tám của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Đông. Trong hai ngày qua, ông Blinken đã đến Qatar, Ai Cập, Jordan để thúc đẩy các nước Ả Rập gây áp lực buộc Hamas ngừng bắn.

“Thông điệp của tôi gửi tới các chính phủ trong khu vực, tới người dân trong khu vực: Nếu các bạn muốn ngừng bắn, hãy thúc ép Hamas đồng ý. Nếu bạn muốn giảm bớt nỗi đau khổ khủng khiếp của người Palestine ở Gaza, hãy thúc ép Hamas đồng ý” - ngoại trưởng Mỹ nói khi thăm Ai Cập.

Bên cạnh đó, ông Blinken cũng thuyết phục Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel - ông Yoav Gallant để “đề xuất ngừng bắn sẽ mở ra khả năng ổn định” dọc biên giới phía bắc Israel - nơi mà quân đội Israel đang giao tranh hàng ngày với nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon).

Theo tờ The New York Times, nghị quyết ngày 10-6 của HĐBA cũng cố thêm sức mạnh cho chuyến công du thứ tám của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Đông.

Triển vọng khó đoán của thỏa thuận ngừng bắn

Diễn biến trên là tín hiệu lạc quan song giới phân tích cho rằng những diễn biến gần đây trong nội bộ Israel và trên chiến trường Gaza có thể khiến việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn trở nên khó đoán, theo The New York Times.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng nội các chiến tranh Israel Benny Gantz - thành viên của đảng Liên minh quốc gia - tuyên bố đảng của ông sẽ rút khỏi nội các chiến tranh Israel, cáo buộc Thủ tướng Netanyahu ngăn cản Israel đạt được “chiến thắng thực sự” trong cuộc chiến chống Hamas.

Động thái của ông Gantz không gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với ông Netanyahu vì thủ tướng Israel vẫn kiểm soát liên minh đa số trong quốc hội. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến ông Netanyahu ngày càng phụ thuộc hơn vào các đảng theo đường lối cực hữu - những đảng vốn phản đối thỏa thuận ngừng bắn.

Giới phân tích đặt câu hỏi về triển vọng ngừng bắn sau diễn biến Israel đột kích vào trại tị nạn Nuseirat (miền trung Gaza) hôm 8-6 để giải cứu 4 con tin Israel nhưng lại gây thương vong cho khoảng 600 người Palestine. Liệu chiến dịch này có khiến Israel quyết tâm hơn trong cuộc chiến và khiến Hamas rắn hơn trong chuyện ngừng bắn hay không?

thoa-thuan-ngung-ban.jpg
Trại tị nạn Nuseirat (miền trung Gaza) ngày 9-6, một ngày sau chiến dịch đột kích của Israel. Ảnh: AFP

Trong cuộc tấn công ngày 7-10-2023 vào Israel, Hamas đã khiến một quốc gia có quân đội vượt trội như Israel phải nhìn nhận lại mình. Tuy nhiên, việc Israel tuần qua có thể tiến hành một chiến dịch giải cứu phức tạp giữa "thanh thiên bạch nhật" ở trung tâm một khu đô thị đông đúc đã khôi phục phần nào uy tín của Lực lượng Phòng vệ Israel và giáng một đòn mạnh vào tinh thần của Hamas.

Trong khi một số chuyên gia nhận định Hamas sẽ cứng rắn hơn sau vụ việc, nhiều ý kiến cho rằng Hamas sẽ chọn cách sử dụng những con tin còn lại để kết thúc cuộc chiến trước khi quá muộn.

Trước mắt, tình hình xung đột, cả giao tranh Israel - Hamas cũng như giao tranh giữa Israel và Hezbollah, không có thay đổi tích cực nào sau một ngày HĐBA thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn. Ngày 11-6, còi báo động không kích vang lên trên bầu trời TP Haifa (miền bắc Israel) lần đầu sau nhiều tháng, tờ The Times of Israel đưa tin. Cùng ngày, Lực lượng Phòng vệ Israel cũng cho biết đã chặn một “mục tiêu trên không đáng ngờ” đang “tiến tới lãnh thổ Israel từ phía đông”.

Tại Dải Gaza, Israel cho biết lực lượng không quân nước này tấn công khoảng 35 mục tiêu trên dải đất trong ngày 11-6. Các mục tiêu bao gồm các tòa nhà mà Israel cho là Hamas sử dụng, các kho vũ khí, địa điểm phóng tên lửa, và các cơ sở hạ tầng khác.

Hãng thông tấn Palestine Wafa đưa tin lực lượng Israel ngày 11-6 đã ném bom một ngôi nhà ở khu phố Sheikh Radwan (TP Gaza) khiến một người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Theo Wafa, đội phòng thủ dân sự vẫn đang tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

NBC News: Washington muốn đàm phán riêng với Hamas về thả con tin Mỹ

Đài NBC News ngày 10-6 đưa tin các quan chức Mỹ đang cân nhắc khả năng đàm phán đơn phương với Hamas để Hamas thả 5 con tin người Mỹ bị giam ở Dải Gaza nếu đàm phán giữa Hamas và Israel thất bại.

Theo NBC News, bất kỳ cuộc đàm phán nào như vậy sẽ được tiến hành thông qua các nhà đàm phán Qatar và sẽ không có sự tham gia của Israel. Chưa rõ Mỹ sẽ đề nghị gì với Hamas để đổi lấy con tin.

Nguồn tin của NBC News cho rằng Hamas sẽ có động cơ để đạt thỏa thuận với Washington vì thỏa thuận như vậy sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ Mỹ-Israel.

Khi được hỏi về thông tin này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng cách tốt nhất và hiệu quả nhất để đưa tất cả con tin trở về là thông qua thỏa thuận ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất.

Về phía Israel, người phát ngôn của chính phủ Israel - ông David Mencer cho rằng để trả tự do cho con tin, các quốc gia nên gây áp lực lên Hamas nhiều nhất có thể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm