Nhiều lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã gửi vòng hoa đến viếng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đến dự và chia buồn cùng gia đình.
Trong lời chia buồn của mình, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban lễ tang, cho biết: Cụ Hoàng Thị Minh Hồ sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, nề nếp gia phong. Năm 18 tuổi, cụ Hồ xây dựng gia đình với cụ Bô. Sau đó, hai cụ nổi tiếng với việc kinh doanh tơ lụa. Vào năm 1941-1945, các cụ đi gặp cán bộ Việt Minh dưới sự giới thiệu của đồng chí Khuất Duy Tiến. Sau đó hai cụ gia nhập Việt Minh. Hai cụ đã được giao chăm sóc nhiều lãnh đạo cấp cao của đất nước tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đông đảo người dân đã có mặt để bày tỏ niềm thương tiếc và chia sẻ với gia đình bà Hoàng Thị Minh Hồ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngân khố nhà nước trống rỗng, hai cụ đã ủng hộ hơn 5.000 lượng vàng. "Cụ được trao tặng huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Gia đình cụ Hồ đã được lưu vào sử sách đất nước về sự đóng góp lớn lao".
Trong lời cảm ơn, đại diện gia quyến, con trai cụ Hoàng Thị Minh Hồ bày tỏ: "Gia đình chúng tôi gồm năm thế hệ vô cùng biết ơn Đảng, Nhà nước, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lễ tang cho mẹ, bà, cụ của chúng tôi. Ý nguyện của mẹ chúng tôi là trước khi ra đi xin chuyển toàn bộ số tiền phúng viếng mẹ tôi đến MTTQ Việt Nam để ủng hộ đồng bào lũ lụt thiên tai, các cháu nhà nghèo học giỏi để sau này phụng sự Tổ quốc".
Một số hình ảnh tại lễ tang:
Gia quyến bà Hoàng Thị Minh Hồ tại lễ tang.
Gia đình bà Hồ gồm năm thế hệ cùng có mặt.
Theo nguyện vọng của cụ Minh Hồ, gia đình hạn chế nhận các vòng hoa.
Người con cả của cụ Minh Hồ đi qua quan tài lần cuối, trước khi di quan.
Gia đình cụ Minh Hồ có nhiều thế hệ cùng sinh sống.
Theo nguyện vọng gia đình, cụ bà sẽ được an táng tại Nghĩa trang Thiên Đức Vĩnh Hằng (xã Giáp Trung, huyện Phù Ninh, Phú Thọ).
Con-cháu-chắt... đưa cụ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Quan tài cụ Minh Hồ được đưa lên xe.