Thời gian qua, thị trường bất động sản tại Đà Nẵng, Quảng Nam liên tục chao đảo với nhiều chiêu trò bất chấp pháp luật của giới cò đất nhằm thổi giá đất, trục lợi.
Mới đây nhất, một thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc chia tách bốn xã thuộc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng để thành lập quận mới đã được Sở Nội vụ TP Đà Nẵng bác bỏ. Lãnh đạo huyện Hòa Vang nhận định, đây là chiêu trò mới của giới cò đất, sau khi huyện này ra văn bản khẩn chấn chỉnh tình trạng loạn giá đất ở nông thôn.
Luật sư Lê Cao, Đoàn luật sư TP Đà Nẵng. Ảnh: NVCC
Trao đổi với PLO ngày 8-3, Luật sư (LS) Lê Cao, Đoàn LS Đà Nẵng, cho rằng việc các cá nhân môi giới đất đai đưa các thông tin sai sự thật để có mục đích hướng đến việc đẩy giá đất lên cao, làm rối loạn thị trường bất động sản là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Theo đó, người có hành vi phát tán thông tin sai sự thật, giả mạo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Trường hợp, theo từng tình huống cụ thể, nếu có biểu hiện lừa dối người mua đất bằng những thủ đoạn khác nhau và gây ra các thiệt hại vật chất cụ thể do hành vi gian dối thì có thể có dấu hiệu lừa đảo để chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này thì có thể bị chế tài hình sự theo luật định.
Theo LS Lê Cao, hiện nay, việc phán tán các thông tin vẫn chủ yếu dừng lại ở chế tài xử lý hành chính. Ngoài việc xử lý nghiêm theo luật định, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần thường xuyên thông tin, tuyên truyền phổ biến các thông tin về quy hoạch sử dụng đất cho người dân thì người dân sẽ không bị tác động bởi những tin đồn về vấn đề quy hoạch đất đai.
“Các chính sách phát triển kinh tế xã hội cũng cần được thông tin tuyên truyền mạnh mẽ để những tin sạch, tin tốt sẽ là sức mạnh lấn át, dẹp bỏ các tin xấu”, LS Lê Cao nói.
Ngoài ra, giới cò đất liên tục tung ra các văn bản giả chữ ký Chủ tịch TP Đà Nẵng và Chủ tịch tỉnh Quảng Nam về việc hai địa phương này chuẩn bị đầu tư các dự án “khủng” nhằm thổi giá đất tại nhiều khu vực. Cơ quan công an hai địa phương đang vào cuộc điều tra.
Nói về hiện tượng này, LS Lê Cao cho hay việc tạo các chữ ký giả, văn bản giả của cơ quan, tổ chức nhà nước để đưa các thông tin không đúng nhằm thổi giá đất thì có dấu hiệu phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
“Tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có mức phạt cao nhất lên đến bảy năm tù. Trường hợp khác, nếu cũng sử dụng các tài liệu giả mạo này, nhưng có thêm các hành vi nhằm dùng các tài liệu giả này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể phạm vào các tội danh khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng chiếm đoạt tài sản, và các hành vi nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản khác dựa trên sự giả mạo là tội danh độc lập và bị chế tài theo các tội danh độc lập này”, LS Lê Cao phân tích.
Giao dịch liên quan đến đất đai là những giao dịch có giá trị lớn, vì vậy người dân cần tỉnh táo khi sử dụng tiền của mình để mua đất. Không thể tin tưởng vào những lời đồn thổi hay sự hứa hẹn trong các giao dịch quan trọng này. Trước khi giao dịch cần kiểm tra tình trạng pháp lý, thông tin quy hoạch từ các nguồn thông tin chính thống của các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước để kiểm chứng thông tin về đất đai, vấn đề quy hoạch và các vấn đề liên quan. Nếu người dân cẩn trọng với các thông tin, thì những tin đồn không có căn cứ sẽ không thể tác động đến việc họ quyết định mua đất. LS Lê Cao, Đoàn LS TP Đà Nẵng. |