Cụ thể, CPI tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất kể từ năm 2016 trở lại đây. Tuy nhiên, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong ba năm gần đây.
Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm trong tháng 5. Trong đó, nhóm giao thông giảm 2,21% do giảm giá xăng. Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%.
Ngược lại, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng do giá hàng thực phẩm tăng 0,43%. Nguyên nhân chủ yếu là do hậu quả của dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung thịt lợn trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu đã đẩy giá thịt lợn tăng 4,13%. Giá thịt lợn tăng cũng đẩy giả các loại thịt gia cầm tươi sống tăng 0,92%.
Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do giới đầu tư lo ngại các nước sẽ đối mặt với triển vọng suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch Covid-19, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao.
Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/5 tăng 1,41% so với tháng 4/2020. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 5/2020 tăng 2,41% so với tháng trước; tăng 14,84% so với tháng 12/2019 và tăng 30,52% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước dồi dào đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu. Do vậy chỉ số giá USD tháng 5/2020 giảm 0,41% so với tháng trước; tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 0,29% so với cùng kỳ năm trước.