Giá vé máy bay quá cao: Cần đoạn tuyệt 'mạnh ai nấy làm'

(PLO)- Để tăng năng lực cạnh tranh của tour nội địa trên sân nhà, ngành du lịchhàng không của Việt Nam cần bắt tay để gắn kết chặt chẽ giữa hai bên.

Liên quan đến câu chuyện vé máy bay "đến hẹn lại tăng" khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng, để chủ động ứng phó, các doanh nghiệp (DN) du lịch đã xây dựng kế hoạch kinh doanh từ rất sớm.

Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch Lửa Việt tour:

Đoạn tuyệt “mạnh ai nấy làm”

Nguyễn-Văn-Mỹ.jpg

Khi làm du lịch cũng phải “khoan thư sức dân”, chấp nhận bán tour giá thấp để thu những giá trị dịch vụ khác. Hàng không chỉ là một phần, để tour hấp dẫn hút khách du lịch cần sản phẩm. Du lịch là công nghiệp (industry) chứ không phải thuần túy dịch vụ (Service). Mọi thứ phải được chuẩn hóa tối thiểu. Chúng ta nên chấm dứt thực trạng “Kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng, có rất nhiều thế mạnh, mạnh nhất là mạnh ai nấy làm!”.

Hàng không và du lịch vốn quan hệ mật thiết, giữa hai bên cần một “nhạc trưởng” điều phối. Các bên cần thống nhất tình trạng giá dịch vụ, giá vé máy bay, đừng để mất đà phục hồi du lịch trong nước.

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 8,9 triệu lượt, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 đạt 536.500 tỉ đồng.

NGUYỄN NGUYỆT VÂN KHANH, Giám đốc Ban Tiếp thị - Công ty Du lịch Vietravel:

Đảm bảo tính công bằng giữa du lịch - hàng không

Vân Khanh.jpg

Giá máy bay tết 2024 tăng cao, đây là một vấn đề lớn mà công ty nói riêng và toàn bộ ngành du lịch nói chung cần phải đối mặt trong thời gian tới. Công ty vẫn đang áp dụng chiến lược giá linh hoạt được thiết lập theo mùa, giúp khách đặt chỗ sớm hơn; hợp tác Tổng cục Du lịch các nước và sở ban ngành nhằm đem đến chính sách giá tốt nhất.

Bình ổn giá vé của các hãng hàng không là một thách thức phức tạp, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Vì vậy, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và phải có hợp tác chặt chẽ giữa các bên để đảm bảo tính công bằng trong ngành công nghiệp du lịch - hàng không.

Để giảm bớt tác động tiêu cực của giá vé máy bay, công ty gia tăng ưu đãi và quyền lợi dành cho khách hàng trong mùa thấp điểm, tăng cường trải nghiệm, hợp tác với các đối tác tại nhiều địa phương.

TRẦN THỊ BẢO THU, Giám đốc tiếp thị truyền thông Công ty Lữ hành Vietluxtour:

Tăng năng lực cạnh tranh tour nội địa trên “sân nhà”

Bảo Thu.jpg

Giá tour tết có mức tăng khoảng 5-15% so với giá thời điểm bình thường và tuỳ tuyến. Để có được giá tốt, DN phải chuẩn bị kế hoạch bán từ sớm để xúc tiến các hoạt động đặt dịch vụ, hợp tác cùng các đối tác trong các chương trình kích cầu, cân đối lợi nhuận.

Các sản phẩm trong nước có thể cạnh tranh với tour nước ngoài nếu duy trì được mức tăng ổn định, tránh tạo nên “combo tăng giá” đồng loạt từ giá vé máy bay, khách sạn, nhà hàng… sẽ tác động mạnh đến giá tour, dẫn đến giảm sức cạnh tranh.

Công ty luôn nghiên cứu thị trường, xúc tiến các chương trình giá tốt với đối tác, xây dựng các gói sản phẩm đa dạng phù hợp nhu cầu của các phân khúc khác nhau. Đồng thời, công ty điều tiết kế hoạch bán đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhìn chung giá tour du lịch nước ngoài đang có nhiều lợi thế và dự đoán trong tương lai gần vẫn thu hút phần lớn du khách Việt, đặc biệt là các tuyến Đông Nam Á, Đông Bắc Á.

Do đó, du lịch trong nước cần một chiến dịch đồng bộ ưu đãi không chỉ giá vé máy bay mà còn nhiều dịch vụ khác như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan và phương tiện vận chuyển khác… nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh của thị trường tour nội địa trên “sân nhà”.

Ông PHẠM ANH VŨ, Giám đốc truyền thông Công ty truyền thông Du lịch Việt:

Cần một cơ chế giá khi mua vé sớm

Phạm Anh Vũ.jpg

Năm nay lượng khách đăng ký các tour trọn gói sẽ tăng cao ở các tuyến tour trong và ngoài nước đến 40%. Về mặt sản phẩm, chúng tôi mở bán sớm các tuyến luôn đứng top như: Tây Bắc, Hà Giang, Đà Nẵng, Phú Yên… và các tuyến Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Úc… Hiện các tour đã được khách hàng đặt cọc dịch vụ từ rất sớm để có giá thành tốt nhất.

Chi phí khách quan tăng dẫn đến các dịch vụ tăng theo là vấn đề khá khó khăn. DN rất mong các hãng có kế hoạch bay, tăng cường chuyến… để triển khai cho DN các thông tin giá đầu vào sớm, hoặc có một cơ chế giá mua sớm hài hòa lợi ích của hãng hàng không, DN và khách hàng.

DN du lịch cần có sự đầu tư sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch… Đặc biệt cơ quan nhà nước cần tạo nên cơ chế phối hợp liên kết như các chương trình kích cầu du lịch.

Hài hòa lợi ích giữa hàng không và du lịch

Đất nước 100 triệu dân là thị trường lý tưởng để ngành du lịch và hàng không đủ không gian khai thác lợi ích trên sân nhà. Dữ liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy với hệ thống 22 sân bay, hiện năm hãng hàng không Việt Nam đang khai thác 67 đường bay kết nối Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác và trên 650 chuyến bay mỗi ngày.

Từ đây, hàng không cùng du lịch đưa du khách đến mọi miền đất nước một cách nhanh chóng; hàng không và du lịch đã trở thành hai ngành kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Dù còn khá xa mới vào cao điểm Tết Nguyên đán 2024, nhưng nhiều khách than phiền giá vé máy bay quá cao vượt khả năng chi trả, còn công ty du lịch cũng kêu khó làm tour.

Vấn đề đặt ra, làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa hai ngành này là vô cùng cần thiết để tạo ra một mùa xuân an lành và phát triển bền vững cho cả xã hội và nền kinh tế.

Đi máy bay mang lại nhiều lợi ích rõ rệt, do tính tiện lợi và tốc độ, kết nối khoảng cách xa xôi nhanh chóng lại gần nhau. Việc mở rộng các chặng bay mới hoặc tăng tải dịp tết, sẽ thuận tiện cho du khách di chuyển và khám phá các điểm đến mới. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội kinh doanh cho ngành hàng không mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch.

Du lịch cũng mang lại thu nhập cho các khách sạn và nhà hàng, từ đó tạo việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế địa phương.

Một trong những vấn đề chính yếu cần xem xét là chi phí vé máy bay cao, người tiêu dùng do dự khi quyết định đi du lịch. Bởi vậy, cần có giải pháp để hài hòa lợi ích hai phía để đảm bảo sự phát triển bền vững của cả hai.

Phía hàng không có những yêu cầu kinh doanh như chi phí hoạt động, nhiên liệu và tiền thuê sân bay, dịch vụ mặt đất. Điều này dẫn đến việc tăng giá vé, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch. Tuy nhiên, để tìm kiếm sự hài hòa lợi ích hai phía, các hãng hàng không có thể xem xét một số giải pháp.

Một trong số đó là tăng cường quản lý chi phí bằng cách tối ưu hoá hoạt động và gia tăng hiệu suất vận chuyển. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình khuyến mãi và giảm giá thu hút khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện có.

Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch cũng cần bắt tay với các hàng không để thiết kế các gói tour linh hoạt và tiết kiệm chi phí cho khách hàng. Bằng cách tổ chức tour theo nhóm hoặc mua vé máy bay theo số lượng lớn, doanh nghiệp du lịch có thể nhận được ưu đãi từ công ty hàng không và chia sẻ những ưu đãi này với khách hàng.

Đồng thời, tìm kiếm nhà cung cấp dịch vụ du lịch có thể giúp doanh nghiệp du lịch giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh; thiết lập mối quan hệ đối tác bền vững, doanh nghiệp du lịch có thể nhận được ưu đãi từ các đối tác và chia sẻ những ưu đãi này với khách hàng; sử dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch có thể giúp giảm chi phí tổ chức tour.

Như vậy, sự liên minh giữa các hãng hàng không, khách sạn, công ty du lịch sẽ mang lại sự linh hoạt trong việc thiết kế gói tour, ưu đãi cho khách hàng, thay vì mỗi ngành đặt lợi ích riêng, điệp khúc đến tết lại tăng giá sẽ khó bề phân giải.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm