Giá vàng thế giới giảm rất sâu trong những ngày gần đây. Tính đến hôm qua (26-2), quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng, giá vàng thế giới chỉ tương đương khoảng 49,3 triệu đồng/lượng. Đây là mức thấp nhất trong bảy tháng trở lại đây.
Điều lạ lùng là giá trong nước lại chỉ giảm nhỏ giọt. Chính vì vậy, giá vàng tại Việt Nam hiện cao hơn thế giới đến khoảng 7 triệu đồng/lượng, có thời điểm cao hơn 7,5 triệu đồng. Đây là mức chênh lệch rất bất thường.
Vì sao có nghịch lý này? Giải pháp nào để giải quyết bài toán trên? Người dân có nên mua vàng ở thời điểm hiện nay?... Pháp Luật TP.HCMcó cuộc trò chuyện với chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), liên quan đến vấn đề trên.
Trong khi giá vàng thế giới lao dốc không phanh thì ở trong nước, giá vàng miếng SJC lại chỉ giảm nhỏ giọt khiến người mua chịu thiệt. Ảnh: PM
Nên chốt lời Với vùng giá vàng hiện nay là 56 triệu đồng thì những người đã mua vàng ở mức giá trên 60 triệu đồng vào tháng 8-2020 sẽ lỗ. Nhưng cũng đang có nhiều người nắm giữ vàng ở vùng giá dưới 56 triệu đồng. Trong lúc giá vàng thế giới và trong nước chênh 7 triệu đồng, người nào nắm giữ vàng ở vùng giá trên nên chốt lời. Ông TRẦN THANH HẢI, chuyên gia vàng |
Giới kinh doanh vàng bất ngờ
. Phóng viên: Những ngày qua, giá vàng thế giới giảm rất mạnh. Theo ông, việc giá vàng giảm có hợp lý không khi mà các yếu tố hỗ trợ giá vàng như lạm phát tăng, kinh tế toàn cầu chưa ổn định, dịch bệnh chưađược kiểm soát… vẫn còn nguyên?
Ông Trần Thanh Hải.
+ Ông Trần Thanh Hải: Vừa qua, giá vàng thế giới giảm xuyên thủng mốc 1.800 USD/ounce. Mức giảm này khiến cho giới tài chính toàn cầu và giới kinh doanh vàng Việt Nam hơi bất ngờ.
Tuy nhiên, cần thấy rằng giá vàng giảm chủ yếu vì chỉ số USD Index tăng. Khi đồng USD tăng giá thì vàng giảm và ngược lại. Nhưng theo tôi, giá vàng đang điều chỉnh mang tính cục bộ vì ngày 14-3 đến đây, khả năng Mỹ thông qua gói kích cầu 1.900 tỉ USD có thể là mồi cho giá vàng tăng trở lại.
. Ông đánh giá thế nào khi giá vàng thế giới lao dốc mạnh nhưng giá vàng trong nước chỉ giảm nhẹ, tạo ra sự chênh lệch kỷ lục, nhất là trong ngày vía Thần tài vừa qua?
+ Điều này có mấy lý do. Chẳng hạn, các đơn vị kinh doanh vàng thường chuẩn bị nguồn hàng cho ngày vía Thần tài từ trước đó, vào khoảng thời gian từ tháng 10-2020. Có nghĩa rằng ở thời điểm này họ đã gom vàng nguyên liệu trong vùng giá khá cao. Do đó, khi giá vàng thế giới giảm đột ngột, bản thân các công ty đã giữ một lượng hàng trữ sẵn ở vùng giá cũ nên không vội gì kéo giá xuống vì sợ lỗ.
Đặc biệt, từ khi Nghị định 24/2012 ban hành với nguyên tắc Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng và vàng 9999, dẫn đến việc chuỗi cung ứng bị cắt khúc, các doanh nghiệp lớn kinh doanh vàng Việt Nam không mua được. Và để mua được hàng, họ phải neo giá cao nên buộc họ phải giữ giá cao.
Điều này rất dễ nhận thấy qua việc giá vàng thế giới và trong nước có độ chênh rất lớn. Trong khi đó, giá mua và giá bán trong nước chỉ vênh nhau khoảng 600.000 đồng/lượng.
Nhìn chung, do chuỗi cung ứng bị nghẽn và rơi đúng vào thời điểm các công ty vàng đang nghỉ tết nên giá vàng trong nước giảm chậm hơn so với thế giới là điều đương nhiên và tất yếu.
Chống vàng hóa là đúng nhưng cần điều chỉnh
. Với đặc điểm của thị trường vàng như ông vừa nói, liệu rằng người dân luôn rơi vào vị thế bị chèn ép, trong khi các doanh nghiệp vàng mới làm chủ thị trường khi có thể quyết định mọi mức giá?
+ Ở thời điểm này, để có được sản phẩm kinh doanh thì doanh nghiệp vàng phải bỏ ra trên 56 triệu đồng mới mua được một lượng vàng. Trong khi đó, giá chênh lệch mua-bán vàng hiện chỉ khoảng 600.000 đồng/lượng. Nếu lấy giá chênh này so với giá bán có thể thấy tỉ suất lợi nhuận của người kinh doanh vàng không lớn.
Như vậy phải nói rằng trong chừng mực nào đó, gọi nhà kinh doanh vàng quyết định giá có thể đúng khi xét ở góc độ chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới. Nhưng khi xem đến yếu tố giá mua và giá bán trong nước thì không thể nói rằng người kinh doanh vàng chèn ép người tiêu dùng. Nói cách khác, do điều kiện thị trường nên doanh nghiệp sẵn sàng mua vàng giá cao dẫn đến hệ quả bán giá cao.
. Khi Nghị định 24/2012 ra đời, thị trường đã từng kỳ vọng giá vàng trong nước bám sát giá thế giới nhưng hiện nay câu chuyện đang ngược lại. Ông đánh giá điều này ra sao?
+ Thực ra trong Nghị định 24 không toát lên cái ý thị trường vàng trong nước phải liên thông vàng thế giới. Mục đích duy nhất của Nghị định 24 là chống vàng hóa, chống các ngân hàng thương mại huy động vàng và cho vay vàng, cấm triệt để vấn đề kinh doanh vàng miếng 9999.
Theo tôi, Nghị định 24 chống vàng hóa là đúng, hoàn toàn chính xác nhằm giúp nền kinh tế không phụ thuộc quá nhiều vào vàng, ổn định kinh tế vĩ mô và tỉ giá. Đây là mặt được của nghị định này.
Nhưng vẫn có mặt chưa được của Nghị định 24. Nếu chú ý, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đứng ra tìm cách huy động vàng trong dân, mà theo giới chuyên gia đánh giá vàng trong dân lên đến mấy trăm tấn, tính ra hàng tỉ USD.
Nếu NHNN thực hiện theo yêu cầu của Chính phủ nghiên cứu huy động vàng vật chất trong dân thì liên thông giá giữa vàng trong nước và thế giới phần nào được thu hẹp.
Đồng thời người giữ vàng hợp pháp gồm các tổ chức, cá nhân được bảo vệ, có hành lang pháp lý rõ ràng, không bị thiệt thòi. Đứng trên góc độ toàn xã hội, nếu để người dân, tổ chức giữ vàng vật chất bị thiệt thòi thì cả xã hội cũng bị thiệt chứ không riêng ai.
Người dân có thể ký thác vàng ở sàn vàng quốc gia
. Có ý kiến cho rằng ở thời điểm này cần góc nhìn mới để vàng thực sự vẫn mang giá trị lợi ích cao nhưng đồng thời đem lại hiệu quả tốt cho kinh doanh của các chủ thể trên thị trường vàng?
+ Cách đây vài tháng, Hội đồng Vàng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ thành lập sàn vàng quốc gia. Tôi cho rằng đây là hành động đúng.
Cần phải thiết lập một sàn vàng để có thể huy động được vàng hợp pháp từ các tổ chức và cá nhân trong dân. Đồng thời tránh được sàn vàng quốc gia hoạt động biến tướng như các sàn vàng trăm hoa đua nở cách đây 10 năm.
. Ông có thể nói rõ hơn về sàn vàng quốc gia?
+ Tạm thời phác họa ra hình thức hoạt động sàn vàng quốc gia như sau: Khi các tổ chức, cá nhân có vàng trong tay thì ký thác vàng vào sàn vàng không lãi suất. Vì nếu chúng ta ký thác vàng có lãi sẽ đẻ ra câu chuyện huy động vàng và cho vay của các ngân hàng thương mại như trước đây.
Trong chừng mực nào đó cho phép những người chứng minh được thu nhập hợp pháp được quyền mua bán vàng trên sàn vàng đó. Bằng cách này, vàng trong nước sẽ liên thông với vàng thế giới. Đó là lợi ích đầu tiên của sàn vàng.
Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam đang phát hành trái phiếu, thậm chí phát hành trái phiếu quốc tế. Sàn vàng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc này. Nhà nước có thể huy động vàng trên sàn vàng là vật bảo chứng để phát hành trái phiếu.
Đặc biệt, nếu chúng ta phát hành trái phiếu quốc tế mà có vật bảo chứng bằng vàng thì chắc chắn lãi suất thấp hơn so với đảm bảo bằng uy tín của Chính phủ. Đất nước sẽ rất có lợi khi có nguồn vốn giá rẻ để phát triển kinh tế.
. Xin cám ơn ông.
Dự báo giá vàng trong năm 2021 Thời điểm tháng 8-2020, giá vàng vượt mọi đỉnh lịch sử để đạt con số 2.063 USD/ounce, do yếu tố bất định xảy ra. Đó là căng thẳng thương mại, dịch bệnh, giằng co bầu cử tổng thống Mỹ, các gói kích cầu… Càng nhiều yếu tố bất định thì càng nhiều lý do hỗ trợ cho vàng tăng giá mạnh. Nhưng hiện nay, các yếu tố bất định gần như đã hết. “Khi yếu tố bất định không còn thì sự biến động, tốc độ tăng giá của giá vàng sẽ có nhưng sẽ không được như năm rồi” - ông Hải dự báo.
|