Giải mã loạt chuyến thăm của lãnh đạo châu Âu tới Trung Quốc

(PLO)- Việc lãnh đạo, quan chức châu Âu liên tiếp thăm Trung Quốc giữa căng thẳng Mỹ - Trung và chiến sự khốc liệt ở Ukraine gửi đi nhiều thông điệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian gần đây liên tục các lãnh đạo, quan chức cấp cao châu Âu sang thăm Trung Quốc (TQ). Loạt chuyến thăm này được chú ý trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và TQ ngày càng tăng cũng như tình hình chiến sự ở Ukraine khốc liệt chưa có hồi kết.

Châu Âu khó xa rời Trung Quốc

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Tổng thống Macron sẽ gặp Chủ tịch TQ Tập Cận Bình và Thủ tướng TQ Lý Cường vào ngày 5-4 (giờ TQ). Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa ông Macron, ông Tập và bà von der Leyen sẽ diễn ra vào tối 5-4.

Tháng 11-2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Bắc Kinh. Tháng 12-2022, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thăm TQ. Gần nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đến Bắc Kinh vào cuối tháng 3.

Ngày 4-4 (giờ địa phương), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen lên đường sang TQ.

Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell trên đường tới dự Hội nghị cấp cao ngoại trưởng G7 vào ngày 16-4 có thể sẽ ghé Bắc Kinh.

Trước chuyến thăm, bà von der Leyen khẳng định đảm bảo ổn định ngoại giao với TQ là điều tối quan trọng với châu Âu. Theo bà, chuyện EU xa rời TQ là không khả thi khi nước này là một đối tác thương mại quan trọng của khối, chiếm 9% hàng hóa xuất khẩu của EU và 20% hàng hóa nhập khẩu vào khối.

Hiện một số quan chức châu Âu đang hào hứng theo dõi việc mở cửa trở lại của nền kinh tế TQ và tin tưởng rằng các nhà xuất khẩu châu Âu sẽ được hưởng “miếng bánh” khi TQ mở cửa.

Đi cùng Tổng thống Macron đến TQ sẽ có một đoàn lãnh đạo doanh nghiệp Pháp, trong đó có các lãnh đạo của Airbus và Alstom, cùng một nhóm lớn các nghệ sĩ và nhà làm phim. Theo SCMP, ông Macron hy vọng tăng cường quan hệ kinh tế và văn hóa với Bắc Kinh.

Chuyến đi của ông Macron gợi nhớ đến chuyến đi của Thủ tướng Đức Scholz tới Bắc Kinh hồi năm ngoái. Tháp tùng Thủ tướng Scholz là đoàn giám đốc điều hành của 12 “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp Đức như hãng sản xuất xe hơi Volkswagen, Ngân hàng Deutsche Bank, Tập đoàn công nghệ Siemens, hãng hóa chất BASF....

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón tiếp trong chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 9-1-2018. Ảnh: AP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) đón tiếp trong chuyến thăm Bắc Kinh vào ngày 9-1-2018. Ảnh: AP

Hội đàm với Chủ tịch Tập và Thủ tướng Lý trong chuyến thăm vào cuối tháng 3, Thủ tướng Tây Ban Nha Sánchez nhấn mạnh việc mở rộng hợp tác, thúc đẩy kinh tế song phương. Ông Sánchez cho biết Bắc Kinh đã phê duyệt nhập khẩu hạnh nhân và quả hồng của Tây Ban Nha, điều này có nghĩa là đến năm 2025, 40% sản lượng hạnh nhân của Tây Ban Nha sẽ được xuất sang TQ.

Phần mình, Bắc Kinh hiện đang cố gắng khôi phục thỏa thuận thương mại lớn với EU. Hiệp định Đầu tư toàn diện EU - TQ gần như đã hoàn chỉnh cách đây năm năm nhưng vì một số lý do, trong đó có việc hai bên trừng phạt quan chức của nhau liên quan vấn đề Tân Cương nên thỏa thuận bị đóng băng. Đại sứ TQ tại EU Phó Thông gần đây đề xuất hai bên dỡ trừng phạt để thể hiện thiện chí sau đó tiến tới hoàn tất thỏa thuận, theo hãng truyền thông DW.

Ông Macron có thuyết phục được ông Tập về Ukraine?

Dù vẫn hỗ trợ Ukraine, các nước Tây Âu như Đức, Pháp và Tây Ban Nha vẫn muốn cuộc chiến kết thúc bằng ngoại giao càng sớm càng tốt. Châu Âu kỳ vọng TQ là bên có thể kiềm chế Nga và là tiếng nói mà Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể lắng nghe. Các nước châu Âu vẫn hy vọng rằng nếu không phải là một trung gian hòa giải thì TQ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo bất kỳ giải pháp cuối cùng nào, theo tờ The New York Times.

Vì vậy, cuộc chiến ở Ukraine dự kiến sẽ là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự khi ông Macron và bà von der Leyen gặp ông Tập tại Bắc Kinh, theo SCMP. Khả năng ông Macron và bà von der Leyen sẽ thúc giục Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình với Moscow để chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Trước chuyến thăm Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Pháp cho biết mục tiêu của ông là “cố gắng lôi kéo TQ tham gia càng nhiều càng tốt để gây áp lực lên Nga”. Ông Macron hy vọng rằng Bắc Kinh có thể là một “người thay đổi cuộc chơi” nếu TQ quyết định tận dụng mối quan hệ thân thiết với Nga, theo các nguồn tin quan chức châu Âu.

Trước ông Macron và bà von de Leyen đã có nhiều lãnh đạo châu Âu bàn về xung đột Nga - Ukraine khi gặp ông Tập. Tại Bắc Kinh hồi tháng 11-2022, Thủ tướng Đức Scholz kêu gọi ông Tập gây ảnh hưởng lên Nga. Thủ tướng Tây Ban Nha Sánchez cũng đã thảo luận về Ukraine với ông Tập khi đến Bắc Kinh tuần trước.

Tuy nhiên, các nhà phân tích không thấy có khả năng TQ sẽ thay đổi lập trường. Theo họ, cả TQ, Ủy ban châu Âu hay Pháp đều không thể tạo ra sự thay đổi trong lập trường (của những nước khác) đối với Ukraine. Các nhà lãnh đạo EU không nên kỳ vọng quá cao vào TQ, vì các bên liên quan thực sự - những bên đã gây ra sự leo thang trong xung đột Nga - Ukraine mới là các bên chính giải quyết vấn đề. Mục tiêu của EU sẽ khó đạt được trong hoàn cảnh hiện tại, khi cả Moscow và Kiev đều không sẵn sàng nhượng bộ.

Tuy thế, các nhà phân tích cho rằng các cuộc trao đổi giữa các lãnh đạo châu Âu và TQ có thể là “điểm khởi đầu” để tìm ra tiếng nói chung về các giải pháp cho Ukraine.•

“Cảnh sát xấu” và “cảnh sát tốt” với Trung Quốc

Việc ông Macron và bà von der Leyen cùng đến TQ gây chú ý. Tại Bỉ hôm 30-3, bà von der Leyen có bài phát biểu cứng rắn về TQ, trong đó bà tự khẳng định mình là một trong những nhà lãnh đạo diều hâu nhất châu Âu đối với TQ. Bà von der Leyen cáo buộc TQ theo đuổi một “sự thay đổi có hệ thống của trật tự quốc tế” với Bắc Kinh làm trung tâm. Để đáp lại, EU cần phải “giảm thiểu rủi ro” cho các mối quan hệ kinh tế. Và để làm như vậy, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất một “chiến lược an ninh kinh tế mới vào cuối năm nay”.

EU sẽ xem xét việc hạn chế đầu tư của các công ty châu Âu vào TQ trong các lĩnh vực nhạy cảm như người máy, điện toán lượng tử và trí tuệ nhân tạo. Bà von der Leyen cũng đề cập Hiệp định toàn diện về đầu tư bị đình trệ giữa EU và TQ và cho rằng hiệp định hiện đã lỗi thời, hạ thấp khả năng khôi phục nó.

Đại sứ TQ tại EU Phó Thông cho biết ông “hơi thất vọng” với bài phát biểu của bà von der Leyen.

Các nhà phân tích cho rằng trong chuyến thăm TQ bà von der Leyen có thể sẽ đóng vai “cảnh sát xấu” trước “cảnh sát tốt” là ông Macron. Theo một nhà ngoại giao cấp cao của Tây Âu, bà von der Leyen sẽ mang lại sự cân bằng nhất định cho “tuyên bố thông thường của tổng thống Pháp về việc "không có cách nào tránh khỏi TQ"".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm