Giải quyết chuyện nhì nhằng thủ tục để kinh tế cất cánh

(PLO)- Các thủ tục hành chính cần được giao về cho địa phương và cần tạo cơ chế một cửa cho Ban quản lý Khu công nghệ cao, để tranh thủ thu hút đầu tư, tránh lãng phí cơ hội của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển công nghệ cao đem lại lợi ích lớn thay thế công nghiệp thâm dụng lao động. Trước nỗ lực ấy, những hạn chế về thủ tục hành chính vẫn là rào cản cần quyết liệt khắc phục.

Khu công nghệ cao TP.HCM được đánh giá thành công nhất cả nước so với các mô hình tương tự. Tính đến năm 2020, nơi đây đã thu hút hơn 8 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài và 35.000 lao động. Tính trung bình, một lao động xuất khẩu hơn 8 tỉ đồng/năm. Phát triển công nghệ cao đang là một khâu đột phá quan trọng của TP.

Nhiều tháng trước, Bộ KH&CN đã đề xuất Thủ tướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương, Khu công nghệ cao thực hiện cơ chế một cửa, chính sách xã hội hóa đầu tư phát triển. Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cũng từng phát biểu: Doanh nghiệp (DN) phải làm các thủ tục cấp phép ở nhiều sở, ngành khiến thời gian chờ hoàn thiện để đi vào hoạt động rất lâu.

Điều gây trăn trở là: Trong “Ngày hội giải quyết thủ tục hành chính” tại Khu công nghệ cao TP.HCM được tổ chức hôm qua nhằm hưởng ứng tháng hành động “Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày”, một số DN lại phản ánh vấn đề trên.

Đại diện một DN cho biết: Tháng 4-2021, nhận được thông báo của UBND TP hướng dẫn DN phối hợp với Ban quản lý Khu công nghệ cao, UBND TP Thủ Đức để điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Khi làm việc với ban quản lý, được biết đơn vị điều chỉnh quy hoạch cục bộ là UBND TP Thủ Đức. Gửi hồ sơ đến UBND TP Thủ Đức thì nhận được phản hồi các chỉ số hoàn toàn phù hợp và hướng dẫn gặp Sở Xây dựng. Sở Xây dựng lại hướng dẫn quay về ban quản lý để xin giấy phép xây dựng. Hiện không biết phải liên hệ bộ phận nào, thời gian bao lâu trong khi dự án đã bị treo gần ba năm nay.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Thi, nhiều nơi trong Khu công nghệ cao còn đất trống nhưng đã có chủ. Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc triển khai dự án bị chậm do vướng nhiều thủ tục.

Ban quản lý đã báo cáo UBND TP và tháo gỡ cho 24 trường hợp vướng mắc do thiếu quyết định cho thuê đất. Hiện còn 48 trường hợp đang gặp vướng mắc tương tự.

Vậy là những vấn đề cũ lại được đặt ra ngay tại “Ngày hội giải quyết thủ tục hành chính” - một sự kiện được kỳ vọng tạo cú hích trong giải quyết thủ tục hỗ trợ DN, người dân. Và chưa thể khẳng định khi “ngày hội” kết thúc, “ngày thường” trở lại, những rào cản cho sự phát triển của DN cũng là sự cất cánh của TP.HCM đang gây bức xúc như trên sẽ được giải quyết vào thời điểm nào.

Chủ trương thành lập Khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền Thủ tướng phê duyệt nhưng các thủ tục hành chính còn lại cần được giao về cho địa phương và cần tạo cơ chế một cửa cho Ban quản lý Khu công nghệ cao, để tranh thủ thu hút đầu tư, tránh lãng phí cơ hội của đất nước.

Bởi vì, nói như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn giữ chức Thủ tướng: “TP.HCM không thiếu tiền, thiếu nguồn lực, chỉ thiếu cơ chế, chính sách phù hợp”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm