TP Thủ Đức hiện có hơn 1,2 triệu dân với 34 phường. Từ khi sáp nhập thành lập, khối lượng công việc tăng cao trong khi số lượng cán bộ, công chức người hoạt động không chuyên trách được phân bổ có giới hạn theo Nghị định 34/2019 đã khiến cho thủ tục hành chính tại các phường tại TP Thủ Đức rơi vào tình trạng quá tải.
Nay Nghị quyết 98 (NQ98) đã mang đến cho TP Thủ Đức sự chủ động, bứt phá từ nhiều cơ chế đặc thù. Hiện “bộ máy” của TP đang từng bước được hoàn thiện, nhất là khi Nghị quyết 98 có hiệu lực.
Phường Hiệp Bình Chánh là một trong những phường đông dân tại TP Thủ Đức với hơn 104.000 dân. Theo phường Hiệp Bình Chánh, với mức dân số đông đúc, phường luôn trong tình trạng quá tải. Chỉ trong 6 tháng của năm 2022, phường phải tiếp nhận hơn 32.000 hồ sơ. Trong đó, một số bộ phận quá tải số lượng như lĩnh vực hộ tịch chiếm 2.581 hồ sơ, lĩnh vực địa chính - xây dựng hơn 2.075 hồ sơ.
Nói về những khó khăn, phường Hiệp Bình Chánh cho biết dân số ngày càng tăng, trong khi số lượng cán bộ, công chức chỉ 36 người.
“Tính trung bình mỗi cán bộ phải phục vụ cho hơn 2.800 dân. Khối lượng công việc lớn nên nhiều cán bộ rơi vào tình trạng quá tải và chuyện tăng ca ngoài giờ hành chính diễn ra như cơm bữa” – lãnh đạo phường Hiệp Bình Chánh cho biết.
Chia sẻ với Báo Pháp Luật TP.HCM, chị Lê Thị Ánh Nguyệt, công chức tư pháp - hộ tịch, phường Hiệp Bình Chánh cho biết “đỉnh điểm” một ngày bộ phận nhận tới 200 lượt giao dịch hồ sơ liên quan. Thời gian hành chính không đủ để giải quyết hết khối lượng công việc buộc chị Nguyệt thường xuyên tăng ca sau 17 giờ. Tình trạng này diễn ra suốt 4 năm nay.
“Ngày tôi nhận công tác tại phường, bộ phận hộ tịch có 2 biên chế, số lượng cán bộ phân công đồng đều như các địa phương trong khi khối lượng công việc tại phường so ra quá lớn" – chị Nguyệt chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thùy Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết: “Trước tình trạng quá tải công việc, lãnh đạo phường luôn động viên tinh thần cho các cán bộ để hoàn thành nhiệm vụ phân công. Mặt khác, UBND phường hiện cũng áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số để giải quyết các văn bản trên phần mềm điện tử, mail, chữ ký số. Thế nhưng để giảm bớt việc chờ đợi, đi lại cho người dân thì phải tăng áp lực xử lý công việc cho các cán bộ phường”.
“Phường mong muốn sẽ bổ sung thêm công chức chuyên trách hỗ trợ giải quyết thủ tục nhanh, lẹ, phục vụ người dân tốt hơn” – bà Hương kỳ vọng.
Tương tự tình trạng quá tải ở phường Hiệp Bình Chánh, hầu hết các phường khác trên địa bàn TP Thủ Đức cũng chung “số phận”. Các cán bộ phường cũng phải tăng ca, cải cách hành chính nhằm phục vụ dân tốt hơn, song thực sự cũng “chưa thấm với nhu cầu”.
Đơn cử, tại phường Linh Trung, TP Thủ Đức có diện tích 706 ha với hơn 60.000 dân, thủ tục hành chính cũng quá tải.
Theo thống kê của phường Linh Trung, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023 phường phải tiếp nhận 12.558 hồ sơ, trong khi số lượng cán bộ công chức của phường hiện có 34 người. Hiện phường đang thiếu một công chức địa chính và một công chức văn hoá - xã hội.
Bà Đoàn Thị Thanh Điệp, Phó Chủ tịch UBND phường Linh Trung cho biết cán bộ phường đang phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều vị trí. Công tác tiếp nhận hồ sơ thường xuyên nhất nằm ở bộ phận một cửa. Đối với công chức tư pháp – hộ tịch sẽ thực hiện tiếp nhận hồ sơ về xác nhận tình trạng hôn nhân, đăng ký các loại hộ tịch, sao y chứng thực…. Đối với bộ phận một cửa, việc tiếp nhận các hồ sơ liên quan đến sao y chứng thực hiện không có chức danh này. Theo đó, công chức chuyên môn như văn phòng thống kê, tư pháp – hộ tịch sẽ thực hiện kiêm nhiệm. Trong khi đó là công chức văn phòng thống kê cũng như công chức tư pháp – hộ tịch vẫn phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Anh Phạm Văn Lực, cán bộ phụ trách dân số kế hoạch hoá gia đình, bình đẳng giới và trẻ em chia sẻ hiện phường đang thiếu một cán bộ văn hoá xã hội nên ngoài công việc chuyên môn, anh đang phải kiêm nhiệm luôn lĩnh vực này.
“Đã từ lâu, tôi không còn khái niệm giờ hành chính, chỉ ra về khi đã giải quyết xong hồ sơ. Đơn cử, tôi làm việc từ 8 giờ sáng, nếu xong sớm sẽ tan ca lúc 17 giờ, trễ đành làm đến 20 giờ. Hầu như ngày nào trong tuần tôi cũng phải làm thêm ngoài giờ, kể cả chủ nhật. Đồng thời, tôi cũng phải phối hợp với ban, ngành, đoàn thể, khu phố tổ chức một số hoạt động vào những ngày cuối tuần. Lịch làm việc như vậy khiến cuộc sống của tôi bị xáo trộn, không có thời gian dành cho gia đình, bạn bè”, anh Lực tâm sự.
Trong khi đó, đại diện UBND phường Thảo Điền cho biết hiện nay phường có 30.000 dân, song chỉ có 20 công chức, số còn lại là bán công chức. Thực sự công việc rất áp lực, hồ sơ và công việc từ TP giao ngày càng nhiều lên, song cán bộ công chức không đủ. Tuy nhiên, cần bổ sung bao nhiều thì vị lãnh đạo này cho rằng cần có sự tính toán trên quy mô dân số, diện tích và vấn đề này thuộc Sở Nội vụ và Phòng Nội vụ TP Thủ Đức.
Trái ngược với tình cảnh quá tải ở các phường, Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức khá nhộn nhịp, song quy củ. Đa phần người dân sẽ làm thủ tục hành chính công, tới lịch sẽ tới văn phòng để làm việc.
Ông Trần Đức Thắng (55 tuổi), phường Linh Chiểu vui mừng khi thủ tục giải quyết rốt ráo, không mất cả ngày như trước.
“Tuy vậy, do quãng đường từ nhà đến Văn phòng đăng kí đất đai hết một tiếng đồng hồ di chuyển nên tôi đã phải dậy từ hơn 5 giờ sáng để né kẹt xe. Từ khi sáp nhập lên TP Thủ Đức, toàn bộ cơ quan dồn về một nơi, đối với người dân sinh sống ở xa, việc đi lại không được thuận tiện. Tuy nhiên, việc cải cách qua bốc số đăng kí online cũng giúp cho quy trình làm giấy tờ được suôn sẻ hơn”, ông Thắng tâm sự.
Ghi nhận của PV vào khoảng 11 giờ trưa, Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức vẫn chưa ngớt người đến làm thủ tục. Là điểm nóng về bất động sản, từ khi sáp nhập thành TP Thủ Đức, thị trường giao dịch tại đây càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Văn phòng đăng ký đất đai TP Thủ Đức cho biết trong năm 2022, TP Thủ Đức đã tiếp nhận và xử lý hơn 100.000 hồ sơ, trong đó lĩnh vực đất đai- môi trường chiếm phần lớn.
Tuy lượng hồ sơ lớn, nhu cầu giải quyết cao, song nhờ phương án cải cách hành chính đã giúp người dân đi lại thuận tiện, giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn.
Cụ thể, đầu năm 2023, chi nhánh văn phòng đăng kí đất đai đã gom từ 3 trụ sở cũ về một địa điểm số 56 đường Đặng Như Mai, phường Thạnh Mỹ lợi, TP Thủ Đức. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả lĩnh vực đất đai gom về một mối thay vì người dân phải nộp tại ba điểm ở ba khu vực như trước đây.
Tại văn phòng bố trí 23 quầy, trong đó 20 quầy liên quan đến đất đai, ba quầy liên quan đến ngân hàng để người dân thực hiện các giao dịch. Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Kim Yến, Phó Giám đốc Văn phòng đăng kí đất đai TP Thủ Đức cho biết trước đây khi nhận hồ sơ tại văn phòng khu vực 2, gần ngã tư Thủ Đức, cán bộ phải mất ít nhất 20-30 phút để vận chuyển hồ sơ về địa chỉ hiện tại. Tại đây, cán bộ văn phòng mới tiến hành giải quyết công việc – điều này vừa gây nguy hiểm cho cán bộ, lại tốn thời gian di chuyển.
Thế nên cải cách đầu tiên mà văn phòng đưa ra là gom ba bộ phận của ba nơi về một nơi tại địa điểm 56 đường Đặng Như Mai. Từ đó, đã giúp giải quyết công việc thủ tục liên quan đất đai thuận lợi hơn, người dân cũng không phải chờ đợi.
Trường hợp người dân có bức xúc hoặc chậm trễ liên quan đến hồ sơ sẽ được hỗ trợ, giải quyết thắc mắc tại bộ phận một cửa. Trường hợp nào cần xin ý kiến lãnh đạo trực tiếp cũng được lãnh đạo Văn phòng tiếp nhận, hướng dẫn và chỉ đạo giải quyết ngay. Theo đó, mọi công việc đã được rút ngắn, thời gian tiếp nhận hoàn trả hồ sơ, người dân hài lòng.
Bà Yến cũng cho biết: “Điều mà chúng tôi nhận được khi hợp nhất ba văn phòng về một địa điểm là giúp người dân thuận tiện hơn. Cũng có một số ý kiến cho rằng ở các khu vực xa trung tâm, người dân phải di chuyển đi nộp hồ sơ rất xa. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe và đồng hành cùng người dân TP Thủ Đức” - bà Yến nói.
Dù đã áp dụng công nghệ để giảm tải áp lực cho cán bộ công chức, nhưng theo bà Yến, việc phải trả số lượng hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp với công suất 400 hồ sơ/buổi làm việc cũng là quá tải với lực lượng hiện có. Nhiều cán bộ phải tăng ca, làm thêm cả ngày nghỉ.
Số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại phường xã phân bổ có giới hạn theo Nghị định 34/2019 đã khiến cho công tác giải quyết hồ sơ tại TP Thủ Đức gặp nhiều khó khăn. Trong suốt thời gian dài choàng gánh công việc, TP Thủ Đức vẫn loay hoay với bài toán giải quyết nhân sự, giải toả áp lực. Vấn đề trên cũng đã được lãnh đạo TP Thủ Đức thừa nhận trong các cuộc họp với báo chí.
Thực trạng quá tải trên cũng đã được UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh bổ sung số lượng công chức làm việc tại các phường. Bởi, hiện bình quân dân số một phường tại TP.HCM lên đến hơn 28.000 dân, gấp 1,89 lần so với quy định của Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước thực trạng quá tải trên, UBND các phường tại TP Thủ Đức mong muốn tăng biên chế công chức phường theo số dân sẽ được thông qua và áp dụng vào thực tế theo đề xuất của của Bộ Nội vụ.
Hiện Bộ Nội vụ cũng đã đề xuất bổ sung công chức phường. Trong đó, phường thuộc TP thuộc TP.HCM có từ 7.000 dân trở xuống được tính 15 biên chế công chức; có trên 7.000 dân thì cứ thêm 3.500 dân được tăng thêm một biên chế công chức.
Mới đây, với việc NQ98 của Quốc hội về ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM có hiệu lực từ 1-8, trong đó có quy định về tổ chức bộ máy chính quyền, bài toán giải tỏa áp lực cho nhân sự hành chính công của TP Thủ Đức đã có lời giải.
Theo đó, Nghị quyết 98 cho phép HĐND TP.HCM có thẩm quyền căn cứ quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn; quyết định số lượng, chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn, bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy.
Ngoài ra, HĐND TP được quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn TP theo hiệu quả công việc...
Đặc biệt, NQ98 còn cho phép UBND TP.HCM có thẩm quyền quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP cho các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, UBND quận, huyện và TP Thủ Ðức.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết từ khi thành lập đến nay, TP Thủ Đức vận hành như một cơ quan hành chính cấp huyện dẫn đến các thủ tục hành chính chỉ tập trung về một đầu mối duy nhất là các đồng chí thường trực UBND TP Thủ Đức và giải quyết như thông thường. Điều này gây ra khối lượng công việc lớn, không đạt được yêu cầu về thời gian.
Ông Hoàng Tùng cũng nhận định NQ98 đưa ra một quy định mới mẻ về việc HĐND TP xem xét, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc TP Thủ Đức, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM thực hiện chính quyền đô thị.
Người đứng đầu TP Thủ Đức cho biết thêm dự kiến tháng 9-2023, UBND TP Thủ Đức sẽ trình HĐND TP.HCM xem xét thông qua tổ chức bộ máy của UBND TP Thủ Đức. Đây là bước ngoặt quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quản lý, điều hành và phát triển của TP Thủ Đức trong thời gian tới.
Ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết NQ98 được thông qua, TP Thủ Đức đã triển khai ngay các công việc hoàn thiện “bộ máy hành chính” kể từ ngày 1-8.