Tại Saudi Arabia, cộng đồng Shiite đã xem giáo sĩ Nimr al-Nimr như người phát ngôn của họ. Ông đã từng sang Iran nghiên cứu thần học và quyết liệt chống đối triều đại Al Saud cầm quyền ở Saudi Arabia.
Chính quyền Saudi Arabia cho rằng giáo sĩ Nimr al-Nimr là tình báo Iran. Thật ra ông không những chỉ trích dòng Sunni cầm quyền ở Saudi Arabia và Bahrain mà còn tố cả chính quyền Syria cho dù Tổng thống Syria Bashar al-Assad theo Hồi giáo Alawite, chi nhánh thiểu số của dòng Shiite được Iran ủng hộ, tức đồng đạo của ông.
Kênh truyền hình Al Jazeera (Qatar) cho biết năm 2009, giáo sĩ Nimr al-Nimr đã hăm dọa sẽ phát động nổi dậy nếu chính phủ không trả tự do cho tù chính trị, chấm dứt phân biệt đối xử với cộng đồng dòng Shiite và tiêu diệt tham nhũng.
Hai năm sau, trong bối cảnh mùa xuân Ả Rập bùng nổ ở Trung Đông, biểu tình đã xảy ra ở Bahrain. Saudi Arabia đưa 1.000 quân sang Bahrain cùng 500 quân của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất dập tắt biểu tình. Lập tức cộng đồng Shiite ở Saudi Arabia đã biểu tình phản đối chính phủ.
Lúc đó giáo sĩ Nimr al-Nimr đã kêu gọi tách miền đông Saudi Arabia để sáp nhập với Bahrain, quốc gia có đông đảo người Shiite cư trú. Năm 2012, một băng video phát trên mạng xã hội cho thấy giáo sĩ Nimr al-Nimr tỏ vẻ hài lòng khi Thái tử-Bộ trưởng Nội vụ Nayef qua đời.
Đến tháng 7-2012, giáo sĩ Nimr al-Nimr bị bắt. Biểu tình bùng nổ. Hai người thiệt mạng. Tháng 10-2014, tòa án kết án tử hình giáo sĩ Nimr al-Nimr về các tội phản loạn, bất tuân với quốc vương và mang vũ khí. BáoThe Guardian (Anh) ghi nhận sau khi giáo sĩ Nimr al-Nimr bị bắt, vợ ông qua đời trong bệnh viện ở New York. Điều này càng kích động những người ủng hộ ông biểu tình phản đối.
Sự kiện Saudi Arabia xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr gây chấn động trong thế giới Hồi giáo Shiite vì Saudi Arabia xử tử ông cùng lúc với bọn khủng bố.
Chuyên gia Pháp Romain Caillet nhận định Saudi Arabia đang đánh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al Qaeda, bởi thế muốn xử tử giáo sĩ Nimr al-Nimr để làm hài lòng cánh quá khích dòng Sunni trong nội bộ Saudi Arabia. Tuy nhiên, giáo sĩ Ahmad Khatami, thành viên Hội đồng chuyên gia Iran, dự báo: “Thế giới Hồi giáo sẽ bày tỏ thái độ giận dữ”.
Báo Le Monde nhận định nhiều hệ quả sẽ xảy ra: Xung đột giữa hai dòng Shiite và Sunni sẽ thổi bùng lên, quan hệ Iran-Saudi Arabia căng thẳng hơn và cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Yemen sẽ bị ảnh hưởng. Tại Yemen, vòng đàm phán thứ hai đã được dự kiến vào giữa tháng 1 ở Thụy Sĩ. Còn tại Syria, cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa chính phủ Syria và phe đối lập sẽ diễn ra vào ngày 25-1 cũng tại Thụy Sĩ.