Trong số những nạn nhân thiệt mạng có Fatih Çakmak, người nhân viên của hộp đêm chưa đầy hai tháng trước đã may mắn sống sót sau vụ đánh bom kép trước sân vận động Istanbul khiến 45 người thiệt mạng. Như một lời nguyền oan nghiệt đeo bám suốt từ năm 2016, Fatih Çakmak lại quyết định đi làm đúng vào đêm giao thừa định mệnh. Phủ bóng đen lên giao thừa năm 2017, không chỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ mà còn nhiều nước trên thế giới, là “bóng ma” khủng bố đã ám ảnh suốt năm 2016 vừa qua.
Trong khi đó, năm 2016 lại chính là năm mà các cuộc chiến tranh chống khủng bố giành được các kết quả tích cực. Nga hỗ trợ thành công quân đội Syria đẩy lùi các lực lượng “khủng bố” chống chính phủ ra khỏi Aleppo. Abu Mohammad al-Adnani, thủ lĩnh quyền lực thứ hai của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nói rằng “Nhà nước” của lực lượng này đang bên bờ sụp đổ. Thế nhưng đổi lại, những vụ khủng bố lại càng đẫm máu hơn, thường xuyên hơn và phổ biến hơn, tờ The Atlantic bình luận.
Các nhân viên y tế đưa nạn nhân trong vụ xả súng tại hộp đêm Istanbul vào xe cứu thương. Ảnh: GETTY
Viễn cảnh này không phải là không được báo trước. Việc đập tan một vùng lãnh thổ tập trung các phần tử khủng bố chỉ khiến chúng phân tỏa rộng hơn hoặc hồi hương và tự lên kế hoạch đòi nợ máu. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh C.Johnson phát biểu đầu năm 2016 tại Trường Khoa học chính trị Kenedy, báo động rằng cuộc chiến chống khủng bố đã bước sang một giai đoạn mới, khi mà những vụ khủng bố cực đoan được lên kế hoạch ngay tại quốc gia sở tại và bởi chính những công dân của quốc gia đó.
Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế và Hòa bình (IPE), kể khi Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố “chiến tranh chống khủng bố” sau sự kiện 11-9 với lời thề chiến tranh “sẽ không chấm dứt đến khi mọi tổ chức khủng bố có quy mô toàn cầu bị phát hiện, chặn đứng và tiêu diệt”, các vụ tấn công khủng bố đã lan rộng không đếm xuể. Đêm giao thừa vừa qua, từ châu Âu, Hoa Kỳ đến các nước châu Á đều tăng cường báo động chống khủng bố.