Giáp tết, rộn ràng bánh tráng, bánh tét

(PLO)- Cuối tháng Chạp là thời điểm các làng nghề truyền thống tại TP.HCM vào mùa trong không khí nhộn nhịp, người người tất bật như chạy đua cùng thời gian.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nằm cách trung tâm TP.HCM 40 km về hướng tây bắc là làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi). Như nhiều lò bánh khác trong làng, lò bánh của gia đình bà Hồ Quế Châu (46 tuổi) đang vào thời điểm tấp nập nhất trong năm.

Bà Hồ Quế Châu là một trong số ít người vẫn tráng bánh bằng phương pháp truyền thống. Ảnh: TÚ NGÂN

Bà Hồ Quế Châu là một trong số ít người vẫn tráng bánh bằng phương pháp truyền thống.
Ảnh: TÚ NGÂN

Cụ Nguyễn Thị Ích cẩn thận siết chặt mối dây lạt buộc đòn bánh tét, đứa cháu ngoan ngoãn ngồi cạnh phụ bà lấy dây. Ảnh: TÚ NGÂN

Cụ Nguyễn Thị Ích cẩn thận siết chặt mối dây lạt buộc đòn bánh tét, đứa cháu ngoan ngoãn ngồi cạnh phụ bà lấy dây. Ảnh: TÚ NGÂN

Rộn ràng làng bánh tráng Củ Chi

Là đời thứ tư nối nghiệp tráng bánh truyền thống, gắn bó với công việc tráng bánh 20 năm có lẻ, bà Châu cho biết làng nghề đang có khoảng 100 hộ theo nghề làm bánh tráng nhưng 75% trong số đó đã chuyển sang tráng bánh bằng công nghệ hiện đại. “Tôi gắn bó với nghề không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì muốn gìn giữ hương vị bánh tráng được tráng thủ công của ông bà xưa bao đời nay” - vừa nhanh tay tráng bánh, bà Châu vừa chia sẻ.

Hiện các cơ sở ở Phú Hòa Đông làm nhiều loại bánh tráng để cung ứng ra thị trường như bánh siêu mỏng, bánh tráng thông dụng, bánh tráng ớt, mè, cuộn bơ, bánh tráng dứa… Xưởng tráng bánh của bà Châu những ngày cận tết còn nhận tráng bánh theo yêu cầu của khách hàng. Nào bánh tráng dùng để chiên, cuốn, bánh ớt, nào bánh đa tôm, bánh mè đen dừa, bánh gừng… khách thích loại nào sẽ được đáp ứng.

Hỏi về bí quyết để làm ra những chiếc bánh tráng ngon, bà Châu cười hiền: “Làm bánh tráng dễ mà không dễ. Trước hết phải chọn được gạo ngon, đem ngâm và làm sạch, vo kỹ trước khi xay thành bột. Bột được pha theo tỉ lệ để bánh khi làm ra giữ được hương vị thơm ngon. Bánh được tráng xong đem phơi. Bánh đủ nắng vừa khô vừa dai, dậy mùi thơm của gạo, của vừng. Bánh quá nắng sẽ bị khô giòn, dễ vỡ, còn bánh thiếu nắng sẽ không có mùi thơm, dễ hỏng”.

“Tôi gắn bó với nghề không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì muốn gìn giữ hương vị bánh tráng được tráng thủ công của ông bà xưa bao đời nay.”

Ba đời giữ lửa hương vị bánh tét

Hơn 40 năm nay, nghề gói bánh tét truyền thống của gia đình cụ Nguyễn Thị Ích (82 tuổi, ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cứ vào tháng Chạp là bắt đầu nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường.

Cụ Ích cho biết nghề gói bánh tét của gia đình được truyền lại từ thời ông bà, truyền đến đời con, đời cháu. Kể từ khi cụ tự tay gói chiếc bánh tét đầu tiên đến nay cũng đã gần 40 năm. Mặc dù tuổi đã cao nhưng vừa trò chuyện cụ vẫn nhanh nhẹn lau lá, gói bánh, vớt bánh, còn khâu sơ chế nguyên liệu do các con của cụ đảm nhiệm.

Gia đình cụ Ích gói bánh tét quanh năm, ngày thường gói chừng 100 đòn, giá 50.000-100.000 đồng/đòn tùy kích cỡ. Mỗi dịp tết gia đình cụ gói khoảng 2.000 đòn bánh, mọi người trong nhà phải làm việc liên tục đến tận chiều 29 tết mới dừng tay.

Nối nghiệp mẹ hơn chục năm, ông Nguyễn Minh Trị (44 tuổi, con trai út của cụ Ích) cho biết để có được đòn bánh tét thơm ngon cần phải kỹ lưỡng từ khâu chọn gạo, lựa nhân. “Nếp và đậu phải được ngâm trong một thời gian nhất định, trễ một chút hay sớm một chút đều sẽ không được chuẩn vị. Sau khi nấu 6 tiếng, bánh vừa chín tới sẽ được vớt ra, thả vào lu nước lạnh thật sạch, sau 20 phút thì vớt ra để ráo. Làm vậy bánh sẽ dẻo thơm, hương vị đậm đà, bảo quản được hơn một tuần” - ông Trị chia sẻ.•

Làng bánh tráng Phú Hòa Đông hiện có khoảng 100 lò bánh đang hoạt động, phần lớn sản phẩm làm ra được xuất khẩu. Từ năm 2020, Sở Du lịch TP.HCM cùng các doanh nghiệp lữ hành đã liên kết đưa khách đến các làng nghề, trong đó có làng bánh tráng Phú Hòa Đông.

Đây là làng nghề tại TP.HCM được bảo tồn, có ngành nghề hoạt động phù hợp với chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị của TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm