Góp ý để thị trường xăng dầu ổn định

(PLO)- Khi có sự chênh lệch giữa giá bán công bố và chi phí dự trữ thì doanh nghiệp có xu hướng găm hàng hoặc không nhập hàng để giảm thiểu thua lỗ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Bùi Duy Tùng, Trường ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng Nhà nước nên cho phép các doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu được ký hợp đồng với nhiều đầu mối hơn, sử dụng cơ chế cạnh tranh thị trường. Từ đó sẽ đảm bảo nguồn cung ổn định và giúp thị trường không còn bị tình trạng khan hàng, găm hàng như trong thời gian gần đây.

Nên cho phép nhà bán lẻ ký hợp đồng với nhiều đầu mối

. Phóng viên:Ông đánh giá thế nào về những bất ổn trên thị trường xăng dầu hiện nay?

+ TS Bùi Duy Tùng: Việc các công ty xăng dầu tự ý đóng cửa cây xăng trước kỳ điều chỉnh giá xăng vì thua lỗ là trái với các quy định về điều hành và quản lý thị trường xăng dầu, cụ thể là quy định về dự trữ xăng dầu. Tuy nhiên, lỗi này không hoàn toàn thuộc về các cây xăng mà còn có nguyên nhân từ một số bất cập trong cơ chế quản lý.

Thực tế nhiều cây xăng đang phải nhập hàng với giá bằng giá bán lẻ, chiết khấu 0 đồng, thậm chí chiết khấu âm. Trong khi đó, họ phải trả đủ các chi phí vận chuyển, lương cho nhân viên… khiến càng bán càng lỗ.

Ngoài ra, các cây xăng còn gặp khó khăn trong việc nhập hàng từ các đầu mối. Cụ thể, các cây xăng bán lẻ chỉ được ký hợp đồng nhập xăng dầu từ một đầu mối duy nhất theo quy định của Nhà nước. Nếu đầu mối này không cung cấp đủ hàng thì cây xăng cũng không thể nhập hàng từ các đầu mối khác.

Các DN bán lẻ xăng dầu đang rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: Càng bán càng lỗ do bị ép từ đầu mối, còn đóng cửa thì phải chịu các chế tài từ Nhà nước như tước giấy phép kinh doanh.

. Ở những thời điểm giá xăng dầu trên thị trường thế giới có biến động mạnh theo chiều hướng tăng thì tại Việt Nam thường xảy ra hiện tượng khan hiếm, đầu cơ găm giữ hàng. Điều gì dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

+ Thị trường trong thời điểm gần đây có ghi nhận hiện tượng găm hàng hoặc không nhập hàng theo đúng hạn mức tối thiểu mà Nhà nước đã phân cho các DN, các đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do lợi ích kinh tế của các thương nhân bị sụt giảm trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động không ngừng và khó dự đoán. Các thương nhân kinh doanh xăng dầu phải chịu tổn thất lớn khi dự trữ xăng dầu, nhất là trong giai đoạn giá xăng dầu tăng mạnh như vừa qua.

Cơ quan chức năng cần tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu để gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cơ quan chức năng cần tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu để gỡ khó cho doanh nghiệp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chi phí dự trữ cho việc bình ổn thị trường và an ninh năng lượng quốc gia do các công ty gánh chịu, trong khi giá bán xăng dầu phần lớn do Nhà nước công bố. Khi có sự chênh lệch giữa giá bán công bố và chi phí dự trữ mà DN phải gánh chịu thì họ sẽ có hành vi găm hàng hoặc không nhập hàng để giảm thiểu thua lỗ.

Việc đảm bảo nguồn cung
là khả thi

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất của hai nhà máy lọc hóa dầu là Bình Sơn và Nghi Sơn đáp ứng khoảng 72% nhu cầu nội địa và tới quý IV-2022 đảm bảo khoảng 80% nhu cầu nội địa; cả nước có khoảng 36 đầu mối nhập khẩu xăng dầu nên việc đảm bảo nguồn cung là khả thi.

Có thể thấy về nguồn cung thì chúng ta không thiếu nhưng các DN bán lẻ vẫn than bị thiếu nguồn cung là do cơ chế hiện tại. Như đã nói ở trên, việc các DN bán lẻ chỉ được ký hợp đồng với một đầu mối đã làm giới hạn nguồn cung của họ. Khi đầu mối không tuân thủ đúng những quy định về kinh doanh xăng dầu thì sẽ xuất hiện tình trạng khan hàng.

TS BÙI DUY TÙNG

. Ông nhận định thế nào về việc các đại lý xăng dầu chỉ được phép mua xăng dầu từ một đầu mối? Điều này sẽ gây tác động tiêu cực ra sao trong thị trường xăng dầu quá nhiều biến động, đặc biệt nếu xảy ra việc nhiều đầu mối xăng dầu bị rút giấy phép?

+ Quy định đại lý xăng dầu chỉ được phép mua xăng dầu từ một đầu mối nhằm đảm bảo nguồn cung cho các đại lý xăng dầu do Nhà nước quy định đảm bảo nguồn cung là nhiệm vụ của đầu mối. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay chúng ta đã thấy hiện tượng các đầu mối không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình mà có hành vi găm hàng, không cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ.

Vì vậy, nếu Nhà nước muốn tiếp tục duy trì cơ chế một cửa hàng xăng dầu chỉ được ký hợp đồng với một đầu mối phân phối thì cần phải chế tài thật nghiêm đối với các đầu mối không thực hiện đúng nhiệm vụ để lành mạnh hóa thị trường xăng dầu.

Nếu nguồn lực để kiểm tra giám sát không đủ thì Nhà nước nên cho phép các DN bán lẻ được ký hợp đồng với nhiều đầu mối hơn, sử dụng cơ chế cạnh tranh thị trường để loại bỏ những đầu mối kinh doanh chụp giựt và không tuân thủ những quy định về an ninh xăng dầu.

Điều chỉnh quy định hợp lý

. Nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu chỉ ba lần mỗi thángcó nhiều bất cập, chưa sát giá thị trường, chưa kể người tiêu dùng phải trích quỹ bình ổn giá?

+ Quỹ bình ổn giá là công cụ giảm sốc trong trường hợp giá xăng dầu tăng hoặc giảm mạnh trên thị trường. Thực tế, quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được sử dụng khi giá xăng dầu tăng kỷ lục vào thời điểm tháng 6-2022. Nếu bỏ quỹ bình ổn giá thì người tiêu dùng nên hiểu rằng biến động của giá xăng dầu trong nước sẽ mạnh hơn khi giá xăng dầu trên thế giới thay đổi. Nghĩa là người tiêu dùng phải chuẩn bị tâm lý vì biên độ dao động của giá xăng dầu sẽ lớn hơn trước.

. Ông có nghĩ rằng Nhà nước không nên quản lý giá xăng dầumà nên để thị trường quyết định và tiệm cận với giá theo thời gian thực?

+ Quan điểm cá nhân của tôi là Nhà nước phải có vai trò quản lý điều hành thị trường xăng dầu do đây là mặt hàng có ảnh hưởng đến an ninh năng lượng và cũng nhằm tránh tình trạng độc quyền, độc quyền nhóm khi buông lỏng quản lý giá. Tuy nhiên, cơ chế quản lý cần linh hoạt hơn để ứng phó với các vấn đề đã phân tích trên.

. Ông có khuyến nghị nào để thị trường xăng dầu hoạt động hiệu quả và các chủ thể trong thị trường này đều đạt được lợi ích?

+ Xăng dầu là một loại hàng hóa nhạy cảm, được quản lý bởi Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tránh tình trạng độc quyền, độc quyền nhóm. Tuy nhiên, Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh ngay các quy định để phù hợp hơn với tình hình thị trường hiện tại, tháo gỡ những khó khăn và giảm thiểu thiệt hại cho các DN kinh doanh xăng dầu. Ví dụ, theo một văn bản của Petrolimex gửi Bộ Công Thương thì các yếu tố cấu thành trong giá cơ sở như chi phí đưa xăng dầu về đến cảng (premium) và chi phí vận tải tạo nguồn trong nước cần được tính đủ vào giá xăng dầu.

Song song với việc điều chỉnh lại chính sách, Nhà nước cần siết chặt hơn quản lý về dự trữ xăng dầu, thực hiện nghiêm các chế tài để ngăn chặn hành vi găm hàng của các DN.

. Xin cám ơn ông.

Sẽ trình Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 vào ngày 18-9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có quyết sách đưa thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu xuống mức sàn. Thay đổi này tạo ảnh hưởng nhanh chóng, được cử tri và nhân dân hưởng ứng. Chính sách này còn được tiếp tục thực hiện đến ngày 31-12.

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cũng đã có những quyết sách quan trọng, tạo điều kiện mở rộng nguồn cung xăng dầu, sẵn sàng cho các biến cố trong tình hình thế giới khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế.

Đặc biệt Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế về thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Qua đó để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm