Tại cuộc họp báo hôm 11-1 (giờ địa phương), Tổng thống đắc cử Donald Trump và nữ luật sư Sheri Dillon (cố vấn pháp lý của ông Trump) đã trình bày các biện pháp tránh xung đột lợi ích giữa Trump-tổng thống và Trump-chủ tập đoàn Trump Organization (hoạt động như công ty TNHH).
Dù vậy, như Giám đốc Văn phòng Đạo đức Quốc hội Mỹ Walter Shaub lưu ý, các biện pháp đã nêu chưa đủ. Ông khẳng định nếu ông Trump không chuyển nhượng cổ phần thì không thể nào giải quyết được vấn đề xung đột lợi ích.
Các biện pháp của ông Trump gồm bốn điểm chính:
1. Nhượng quyền kiểm soát nhưng vẫn làm chủ
Ông Trump khẳng định trước ngày ông nhậm chức tổng thống 20-1, tất cả cổ phần của ông Trump sẽ được chuyển vào quỹ ủy thác (ông không còn kiểm soát nữa).
Quyền kiểm soát toàn diện sẽ được chuyển giao cho hai con trai ông là Donald Trump Jr. (38 tuổi) và Eric Trump (32 tuổi) cùng đối tác lâu năm Allen Weisselberg (70 tuổi). Con gái ông - Ivanka cũng từ chức phó chủ tịch tập đoàn.
Nữ luật sư Sheri Dillon khẳng định lúc đó Tổng thống Donald Trump chỉ có thể biết tập đoàn tiến hành phi vụ nào khi đọc báo hay xem truyền hình.
Ông Trump không bán cổ phần của ông và vẫn giữ vai trò chủ doanh nghiệp, như vậy lợi ích tài chính của ông gắn liền với thành công trong kinh doanh.
Luật pháp Mỹ không ràng buộc tổng thống phải từ bỏ kinh doanh để tránh xung đột lợi ích. Tuy nhiên, theo luật bất thành văn, các đời tổng thống trước như Jimmy Carter, Ronald Reagan, George H. W. Bush, Bill Clinton hay George W. Bush đều chuyển cổ phần cho chuyên gia độc lập quản lý lợi ích tài chính.
Xung đột lợi ích của ông Trump theo biếm họa của STEVE SACK (báo The Minneapolis Star Tribune).
2. Không ký hợp đồng quốc tế mới nhưng còn hợp đồng cũ
Trump Organization không đăng ký trên thị trường chứng khoán, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, sân golf, du lịch, truyền hình thực tế.
Ông Trump cho biết tập đoàn sẽ không ký hợp đồng thương mại mới với nước ngoài trong thời gian ông làm tổng thống để tránh nguy cơ lẫn lộn giữa chính sách đối ngoại và lợi ích thương mại.
Ông giải thích mới đây ông đã từ chối ký một hợp đồng trị giá 2 tỉ USD với một doanh nghiệp ở Dubai và hủy đàm phán làm ăn với các đối tác ở Grudia, Brazil và Azerbaijan là các nước mang tiếng tham nhũng.
Dù vậy, báo Time ghi nhận Trump Organization làm ăn ở khoảng 20 quốc gia và đến nay không có bằng chứng nào cho thấy tập đoàn này sẽ không tiếp tục các dự án đã bỏ vốn đầu tư. Như vậy Trump Organization vẫn có thể mở rộng tổ hợp khách sạn ở nước này hay kết thúc hợp đồng ở nước kia tùy thuộc ông Trump có thích nước đó hay không.
Một ví dụ khác, tổng thống sẽ là người giám sát ngân hàng hoạt động đúng pháp luật trong khi Trump Organization lại đang mắc nợ hơn 150 cơ sở tài chính với khoản nợ nhiều trăm triệu USD.
3. Cách nào để tuyển cố vấn đạo đức?
Tại Mỹ, Trump Organization có thể đàm phán ký hợp đồng mới nhưng hợp đồng mới sẽ được xem xét cẩn trọng. Nữ luật sư Sheri Dillon giải thích sắp tới sẽ tuyển các cố vấn đạo đức là người phụ trách xem xét các hợp đồng mới xem có xung đột lợi ích hay không.
Dự kiến cố vấn đạo đức sẽ là một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực công và có thể làm việc độc lập. Dù vậy, đến nay chưa có thông tin giải thích phải chọn một cố vấn đạo đức như thế theo tiêu chuẩn nào.
4. Tiền thuê phòng khách sạn sẽ được chuyển cho kho bạc
Đây là biện pháp đáng kinh ngạc nhất. Ông Trump cam kết sẽ chuyển vào kho bạc tiền phòng của các nhà lãnh đạo nước ngoài nghỉ ngơi trong các khách sạn của Trump Organization.
Điều khó giải thích là các nhà lãnh đạo nước ngoài không chỉ ngủ, vậy nếu họ ăn uống trong nhà hàng của khách sạn thì sao? Khoản tiền ấy có được chuyển cho kho bạc hay không? Báo The Washington Post nhận xét biện pháp này cần được làm rõ thêm.
Hiện nay thông tin chi tiết về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập hay nợ nần của ông Trump không được công bố vì ông từ chối công bố bản kê khai thu nhập. Do đó, không rõ công việc làm ăn của ông liên quan mức độ nào đến các nước hay các ngân hàng nước ngoài.
"Tình trạng này chưa từng xảy ra" Năm 1785, đại sứ Mỹ đầu tiên ở Pháp Benjamin Franklin về nước mang theo hộp đựng thuốc lá nạm kim cương do vua Louis XVI ban tặng. Sau đó, Mỹ đã đưa vào hiến pháp điều khoản cấm các nhà lãnh đạo chính trị nhận quà biếu, thù lao… do nước ngoài ban tặng mà không được Quốc hội đồng ý (khoản 9 Điều 1 Hiến pháp Mỹ). Mục đích nhằm tránh xung đột lợi ích đối với người thi hành công vụ. Luật sư Fred Wertheimer, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Democracy 21 ở Mỹ (chuyên đấu tranh chống tác động kim tiền vào chính trị), đánh giá: “Tình trạng này chưa từng xảy ra. Tổng thống Mỹ cũng là chủ một tập đoàn quốc tế. Theo tôi, tổng thống và việc kinh doanh của ông ấy đan xen như thế thì rất khó quản lý. Ông ấy cũng không giải quyết được vấn đề gì khi nói rằng các con ông ấy sẽ kiểm soát kinh doanh”. |