Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận đến năm 2030” và đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" do Sở GTVT Hà Nội tổ chức vào sáng 25-10.
Theo đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận đến năm 2030”, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và vận tải hành khách công cộng sẽ tiến hành lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động phù hợp.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: AH
Cụ thể, quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 thành phố sẽ quy hoạch năm tuyến vành đai, trong đó vành đai 2, 3 là vành đai đô thị; vành đai 4, 5 là vành đai liên vùng. Ngoài ra còn có vành đai 3,5 là vành đai không khép kín, mang tính chất là đường trục chính đô thị.
Căn cứ điều kiện phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và vận tải hành khách công cộng sẽ tiến hành lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động xe máy phù hợp.
Điều đáng chú ý trong đề án là chỉ đề xuất xem xét dừng hoạt động xe máy khi hệ thống vận tải công cộng và các phương tiện thay thế đáp ứng được tối thiểu 60,5% nhu cầu đi lại của người dân.
Để đảm bảo yêu cầu này, đến năm 2030, Hà Nội cần đưa vào hoạt động 8 tuyến đường sắt đô thị, khoảng 200 tuyến xe buýt, 35.000 xe taxi, 50.000 - 55.000 xe hợp đồng, 15-20 tuyến minibus, 8.000-10.000 xe đạp công cộng.
Bên cạnh đó, để thực hiện được việc hạn chế xe máy, đề án cũng đưa ra một số giải pháp hỗ trợ, như: dừng cấp đăng ký mới xe máy tại một số quận khu vực trung tâm; không hạn chế xe máy ngoài giờ hoạt động của vận tải công cộng; miễn, giảm giá vé sử dụng dịch vụ vận tải công cộng đối với người dân sinh sống trong khu vực hạn chế; miễn, giảm giá trông giữ xe máy tại các bãi trông giữ xe tập trung của thành phố.
Về việc tuyến đường nào sẽ được lựa chọn hạn chế xe máy, Sở GTVT Hà Nội cho biết chỉ hạn chế hoạt động xe máy trên tuyến đường có năng lực hệ thống vận tải công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tập trung nghiên cứu trên các tuyến có đường sắt đô thị.
Đối với khu vực có thể mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm trong phạm vi khu bảo tồn cấp I. Nghiên cứu tổ chức không gian đi bộ trên toàn thành phố như khu vực Thủ Lệ, Hồ Thành Công, Hồ Trúc Bạch…
Việc dừng xe máy có thể theo giờ và theo ngày trong tuần đối với khu vực, tuyến đường lựa chọn. Như trên các tuyến đường có thể hạn chế vào các khung giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 16 giờ 30 đến 19 giờ 30. Dừng xe máy tại không gian đi bộ từ 6 giờ ngày thứ Sáu đến 24 giờ ngày Chủ nhật hằng tuần và các ngày nghỉ lễ. Các khu vực khác hạn chế hoạt động của xe máy khi lực lượng vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, do đó đề xuất chỉ hạn chế xe máy trong khung giờ hoạt động của vận tải hành khách công cộng từ 6 giờ -22 giờ.
Đối với đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào", Sở GTVT Hà Nội cho biết phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một loại phí mới, không trùng lặp với các loại phí khác.
Phạm vi thu phí được xác định theo vành đai khép kín trong địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ dựa trên kết quả đánh giá tác động và hiệu quả quá trình xây dựng đề án.