Hai bộ trưởng đồng loạt từ chức, Thủ tướng Anh đối mặt cơn địa chấn chính trị mới

(PLO)- Việc hai quan chức cấp cao trong nội các chính phủ của Thủ tướng Anh quyết định từ chức đã giáng một đòn nặng nề lên ông Johnson, vốn đang hứng chịu chỉ trích sau hàng loạt bê bối chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng Reuters ngày 5-7 đưa tin hai bộ trưởng hàng đầu trong chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đột ngột tuyên bố từ chức, nói rằng họ không còn có thể làm việc cho một chính phủ sa lầy trong bê bối. Động thái này giáng một đòn nặng nề vào khả năng sống còn về chính trị của ông Johnson.

Cụ thể, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã gửi đơn từ chức cho Thủ tướng Johnson khi cả hai quan chức đều nhắm tới khả năng điều hành một chính quyền tuân thủ các tiêu chuẩn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (bên phải) cùng Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (giữa) và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid (bên trái). Ảnh: Chris Ratcliffe/BLOOMBERG

Thủ tướng Anh Boris Johnson (bên phải) cùng Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak (giữa) và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid (bên trái). Ảnh: Chris Ratcliffe/BLOOMBERG

Cơn đau đầu chính trị mới

Trong đơn từ chức, ông Sunak, người trước đó đã có xung đột với Thủ tướng Johnson về một gói chi tiêu, nói rằng: “Đối với tôi, việc từ chức Bộ trưởng Tài chính trong khi thế giới đang gánh chịu hậu quả kinh tế của đại dịch, xung đột ở Ukraine và những thách thức nghiêm trọng khác là một quyết định không hề dễ dàng".

“Công chúng thực sự mong đợi một chính phủ hoạt động một cách đúng đắn, có thực lực và nghiêm túc. Đây có thể là công việc cấp bộ trưởng cuối cùng của tôi, nhưng tôi tin những tiêu chuẩn này đáng để đấu tranh và đó là lý do tại sao tôi từ chức” - ông Sunak nói thêm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Javid viết rằng: “Được phục vụ trong vai trò này là một đặc ân to lớn, nhưng tôi rất tiếc vì không còn có thể tiếp tục với sự tận tâm hết lòng". Ông nhấn mạnh cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Johnson vào tháng trước là "một khoảnh khắc cho sự nhún nhường, kiềm chế và hướng đi mới”.

"Tuy nhiên, tôi rất tiếc phải nói rằng tình hình này rõ ràng sẽ không thay đổi dưới sự lãnh đạo của [Thủ tướng] và [Thủ tướng] cũng đã đánh mất niềm tin của tôi” - ông Javid cho biết.

Không lâu sau đó, Thủ tướng Johnson, người đã tuyên bố ý định nắm quyền lâu nhất có thể, đã bổ nhiệm cựu doanh nhân và Bộ trưởng Bộ Giáo dục hiện tại, ông Nadhim Zahawi, làm Bộ trưởng Tài chính. Trong khi đó, Chánh văn phòng Thủ tướng Anh, ông Steve Barclay, được chỉ định cho vị trí Bộ trưởng Y tế.

Lời xin lỗi muộn màng

Việc từ chức của hai quan chức hàng đầu trong chính phủ Anh xảy ra chỉ vài phút sau khi ông Johnson công khai xin lỗi vì đã bổ nhiệm nghị sĩ Christopher Pincher - người đang vướng các cáo buộc về hành vi sai trái - đảm nhiệm vai trò liên quan việc thi hành kỷ luật của đảng Bảo thủ Anh.

“Tôi xin lỗi tất cả những người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi [sự bổ nhiệm]. Tôi chỉ muốn nói tuyệt đối rõ ràng rằng chính phủ này không có chỗ cho bất kỳ người nào lạm dụng quyền lực” - Thủ tướng Anh phát biểu.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: John Sibley/REUTERS

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: John Sibley/REUTERS

Nghị sĩ Pincher, Phó lãnh đạo văn phòng kỷ luật của đảng Bảo thủ, đã từ chức vào hôm 30-6 sau cáo buộc ông đã sờ soạng hai vị khách tại một bữa tối riêng tư trước đó. Sau đó, hàng loạt báo cáo về những hành vi tương tự trong quá khứ của ông Pincher được đưa ra khiến nhiều người đặt câu hỏi về lý do Thủ tướng Johnson bổ nhiệm ông này.

Mặc dù không trực tiếp thừa nhận các cáo buộc, ông Pincher đã viết trong một bức thư gửi cho ông Johnson rằng "đêm qua tôi đã uống quá nhiều" và "khiến bản thân và những người khác xấu hổ", theo đài CNN.

Việc từ chức của ông Pincher đã làm dấy lên các chỉ trích về những thay đổi liên tục trong các tuyên bố của văn phòng số 10 Phố Downing liên quan những gì Thủ tướng Anh đã biết được về các cáo buộc của ông Pincher và biết chúng vào lúc nào.

Ban đầu, Văn phòng Thủ tướng Johnson khẳng định rằng nhà lãnh đạo Anh không biết về bất kỳ cáo buộc nào chống lại ông Pincher tại thời điểm bổ nhiệm ông này vào tháng 2.

Tuy nhiên, sau khi một cựu quan chức cấp cao cáo buộc Văn phòng Thủ tướng nói dối, một người phát ngôn của văn phòng số 10 Phố Downing hôm 5-7 nói rằng nhà lãnh đạo Anh đã được thông báo ngắn gọn ở "một số hình thức" về vụ việc nhưng đã quên việc ông Pincher đã từng bị khởi kiện.

Trong nhiều tháng qua, Thủ tướng Johnson liên tục đối mặt các chỉ trích về hành vi của ông và chính phủ Anh, bao gồm cáo buộc tổ chức tiệc tùng trong lúc nước Anh đang áp lệnh phong tỏa vì COVID-19 vào năm ngoái. Vào tháng 4, ông Johnson đã xin lỗi trước quốc hội sau khi trở thành lãnh đạo Anh đầu tiên bị phạt vì vi phạm quy định liên quan lệnh phong tỏa.

Dù vậy, trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng trước, ông Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu và sẽ tiếp tục giữ chức Thủ tướng Anh sau khi nhận được 211 phiếu ủng hộ và 148 phiếu chống.

Thêm nhiều đơn từ chức

Theo CNN, ông Javid và ông Sunak không phải là những người duy nhất quyết định rời đi. Ngay sau đơn từ chức của hai quan chức trên, phó chủ tịch đảng Bảo thủ Bim Afolami đã thông báo trực tiếp trên truyền hình rằng ông sẽ từ chức. Bên cạnh đó, ông Afolami cũng kêu gọi ông Johnson từ bỏ quyền lực, nói rằng Thủ tướng không còn nhận được sự ủng hộ của đảng hay đất nước nữa.

Ngoài ra, ông Alex Chalk - quan chức hàng đầu về pháp luật của Văn phòng Tổng chưởng lý Anh - hôm 5-7 đã thông báo từ chức, nhấn mạnh rằng đã đến lúc "cần một sự lãnh đạo mới".

Cùng ngày, Đặc phái viên thương mại của Thủ tướng Anh tại Maroc, ông Andrew Murrison, cũng đã từ chức, nói rằng "vị trí của ông Boris Johnson đã không thể phục hồi được nữa". Trong khi ít nhất năm quan chức cấp cơ sở cũng quyết định từ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm