Hài hòa với Cần Giờ khi phát triển kinh tế biển TP.HCM

Theo các chuyên gia, Cần Giờ là vị trí thích hợp nhất để TP.HCM phát triển kinh tế biển. Một khi chọn Cần Giờ phát triển kinh tế biển thì TP.HCM phải đặt ra bài toán vừa giữ được vùng dự trữ sinh quyển, vừa triển khai phát triển chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế.

Chuyên gia cho rằng Cần Giờ là vị trí thích hợp nhất để TP.HCM phát triển
kinh tế biển. Trong ảnh: Một góc dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Ảnh: Vietnampropertyforum.vn

PGS-TS LƯU THẾ ANH, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội:

Tạo dựng vị thế quốc tế mới của TP

PGS-TS Lưu Thế Anh.

Không phải đến lúc này TP.HCM mới đặt ra bài toán phát triển hướng biển. Thực tế vào đầu thập niên 2000, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nêu ý tưởng và kỳ vọng xây dựng Cần Giờ thành khu đô thị tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Mục đích để khai thác các tiềm năng hiện có và tạo sức bật cho vùng lẫn TP.HCM.

Bài toán của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt ra cho Cần Giờ giờ đây sẽ có một tầm nhìn lớn đặt trong bối cảnh mới. TP.HCM cần phát triển kinh tế biển kết nối với chuỗi đô thị tầm vóc quốc tế vịnh Cần Giờ - Vũng Tàu - Gò Công để tạo dựng vị thế quốc tế mới của TP.

Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công tại vịnh Cần Giờ tạo mặt tiền biển để chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế. Từ đó làm bàn đạp cho TP.HCM trở thành một TP cửa ngõ kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế. TP.HCM khi đó không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của vùng kinh tế phía Nam mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế.

PGS-TS NGUYỄN CHU HỒI, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Biển đảo Việt Nam:

Ba yếu tố đặc thù của đô thị lớn

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi.

TP.HCM cũng như cả nước đang triển khai năm thứ hai Nghị quyết 36 về chiến lược biển Việt Nam năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này hướng vào kinh tế biển phát triển theo hướng bền vững dựa trên nền tảng kinh tế biển xanh. Nhìn vào sức phát triển của TP.HCM thì để phát triển kinh tế biển sẽ là hướng Cần Giờ.

TP.HCM vừa có đồng bằng vừa có biển nên những yếu tố kết nối giữa đất liền và biển hết sức quan trọng. Trong đó, Cần Giờ trên cơ sở phát triển đúng đắn, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển chính là cánh tay nối dài để TP hướng ra biển và dựa vào biển trong quá trình phát triển thời gian tới.

Một đặc điểm quan trọng khác là khu vực Cần Giờ sở hữu một cửa sông hình phễu. Cấu trúc này có lợi thế cho quá trình phát triển đô thị và các cảng biển. Tại miền Nam, chỉ TP.HCM và Vũng Tàu sở hữu cấu trúc này, còn ngoài Bắc có khu vực Hải Phòng.

TP.HCM một khi xây dựng một hệ thống đô thị biển tại Cần Giờ thì lúc này sẽ gặp thách thức là phải hài hòa quy hoạch và tổ chức lại không gian phát triển của TP để làm sao đảm bảo tương tác. Vì TP.HCM không chỉ phát triển cho chính nó mà phải tạo ra tác động lan tỏa trên cơ sở tôn trọng ba yếu tố đặc thù của một hệ thống đô thị lớn.

Thứ nhất, TP phải tìm ra được tính trội để có lợi thế so sánh mới. Thứ hai là tìm ra những chiều cạnh, tính cạnh đa dụng. Vì TP không chỉ là văn hóa mà còn nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều mảng không gian chức năng khác nhau. Chẳng hạn, không gian Cần Giờ phải hướng đến bảo tồn những giá trị về tự nhiên, di sản, văn hóa.

Thứ ba, cần có tính liên kết nội vùng và liên kết với khu vực không gian xung quanh. Đặc biệt, nếu TP.HCM muốn tầm vóc của mình ở cấp khu vực và xa hơn nữa trở thành quốc tế thì kết nối khu vực và quốc tế trở thành hết sức quan trọng.

GS-TSKH TRƯƠNG QUANG HỌC, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường, ĐH Quốc gia Hà Nội:

Hài hòa giữa con người và tự nhiên

GS-TSKH Trương Quang Học

TP.HCM với vị thế là một TP đi tiên phong trong phát triển kinh tế của cả nước cần có một bước đi đột phá để mở rộng không gian phát triển theo hướng vươn ra biển và liên kết với các vùng xung quanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn bảo tồn được tự nhiên và duy trì được những giá trị bản sắc văn hóa theo hướng bền vững.

Chẳng hạn, vịnh Cần Giờ có tiềm năng tạo đột phá dựa trên mũi nhọn phát triển đô thị biển và cảng biển của TP.HCM trong liên kết vùng Đông Nam bộ, ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung bộ. Động lực chủ đạo là kinh tế biển xanh, kinh tế du lịch sinh thái và đổi mới sáng tạo nhằm tạo nền tảng và đóng vai trò trung tâm trong Chiến lược quốc gia về phát triển bảo vệ kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cần Giờ phải phát triển thành một đô thị sinh thái hiện đại và thông minh theo hướng hợp sinh thái và thuận thiên. Đó là phải hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Thiên nhiên không còn đứng riêng, mà con người giờ liên hệ chặt chẽ với thiên nhiên.

Cuối cùng, để Cần Giờ phát triển hiệu quả, chúng ta phải có chính sách, thể chế thông minh. Có nghĩa rằng mọi hoạch định chính sách phải lường hết các mối rủi ro đe dọa đến sự phát triển trong tương lai.

GS-TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT:

Muốn tiến biển phải thông qua Cần Giờ

GS-TSKH Đặng Hùng Võ

TP.HCM muốn tiến ra biển chỉ có con đường phải thông qua cửa Cần Giờ. Tôi cũng ủng hộ TP.HCM hãy đẩy cửa Cần Giờ để phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, để bài toán phát triển Cần Giờ tốt nên tính đến liên kết vùng và đây là câu chuyện khá phức tạp trong quy hoạch vì mỗi người có cách tiếp cận vùng khác nhau. Tôi cho rằng cách hiện đại nhất là hình thành hệ sinh thái biển.

Sinh thái ở đây không chỉ là yếu tố thiên nhiên, mà được hiểu theo nghĩa bao gồm một hệ thống cùng cộng sinh. Các yếu tố nương nhờ vào nhau, dựa vào nhau để sống thì lúc đó sẽ tạo ra hệ sinh thái bền vững. Đồng thời sẽ không bị gây ra những tác động tiêu cực, mà ngược lại tạo ra hiệu suất sử dụng các nguồn lực là cao nhất.

Lắng nghe ý kiến các chuyên gia

Chúng tôi trân trọng mong muốn lắng nghe thêm ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong việc đánh giá, thảo luận, kiến nghị và đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy phát tiển kinh tế biển của TP.HCM.

Trên cơ sở đó đưa TP trở thành đô thị hiện đại, phát triển bền vững, cũng như mở rộng địa chính TP để phát triển về hướng Cần Giờ đang triển khai phát triển dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 826 (ngày 12-6-2020). Đồng thời, đảm bảo có hiệu quả và đảm bảo các vấn đề liên quan đến tài nguyên môi trường; tuân thủ các quy hoạch liên quan; đảm bảo đời sống người dân và đóng góp tích cực cho chuyển dịch kinh tế TP.HCM cũng như các tỉnh trong vùng.

Ông NGUYỄN ĐỨC HIỂN, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh phát triển chung của TP giai đoạn 2040-2060.

Về định hướng phát triển hướng biển qua địa bàn Cần Giờ thì sở sẽ tiếp thu những yêu cầu cũng như chia sẻ của chuyên gia để đưa vào đầu bài điều chỉnh phát triển TP. Từ đó xác lập vai trò của TP.HCM trong phát triển kinh tế hướng ra biển, cũng như làm sao kết nối được liên kết vùng các tỉnh/thành xung quanh TP để đưa kinh tế biển biến thành động lực cho TP và vùng trong tương lai.

Ông NGUYỄN THANH NHÃGiám đốc Sở QH-KT TP.HCM

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm