Sáng 4-5, Bộ tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên bắn một tên lửa tầm ngắn không xác định theo hướng Biển Đông nhưng gần đây lại vừa sửa đổi thông báo, nói rằng đó chỉ là "những vật thể bay tầm ngắn chưa xác định", hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap đưa tin.
Thứ Triều Tiên vừa phóng đi không phải là tên lửa
JCS cho biết các vật thể này được bắn từ các khu vực gần thị trấn bờ biển phía đông Wonsan trong khoảng thời gian từ 9:06 sáng đến 9:27 sáng và đi được một quảng đường khoảng 70-200km. Vụ việc diễn ra trong giai đoạn quá trình đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ đang bị đình trệ.
Quân đội Hàn Quốc cũng không tin rằng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. Ảnh: AP
Trước đó, quân đội Hàn Quốc cũng không tin Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo. "Những gì Triều Tiên bắn lần này không phải là một tên lửa đạn đạo", một sĩ quan quân đội nói.
Giới chuyên gia cho rằng vật thể bay nói trên dường như là đạn pháo phản lực bắn từ các giàn phóng đa nòng 300mm như một phần trong cuộc tập trận của các đơn vị pháo binh hoặc để thử nghiệm hệ thống vũ khí để cải tiến. Do vật thể phóng ra di chuyển ngắn và độ cao tương đối thấp nên khó có khả năng đó là tên lửa đạn đạo.
Hồi tháng 3-2014, Bình Nhưỡng đã từng bắn bốn quả đạn tầm ngắn được cho là đạn pháo từ hệ thống phóng và bay được khoảng 150km. Và những gì Triều Tiên bắn hôm nay cho thấy quỹ đạo tương tự như vậy.
Phản ứng của Mỹ, Nhật, Hàn
Sau khi vụ việc diễn ra, Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp liên quan đến các quan chức an ninh hàng đầu, văn phòng tổng thống cho biết vụ phóng mới nhất "đi ngược lại thỏa thuận quân sự liên Triều đã ký vào tháng 9" và là một nguồn "lo ngại nghiêm trọng", theo phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Ko Min-jung.
Thêm vào đó, Seoul đã kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động làm leo thang căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.
Nhật Bản và Hàn Quốc nhanh chóng phản ứng trước vụ phóng vật thể lạ nghi là tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: AP
Về phía Mỹ, Nhà Trắng nói rằng họ đã hay tin về việc Triều Tiên phóng các tên lửa tầm ngắn và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình. ”Chúng tôi biết về hành động của Triều Tiên tối nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi khi cần thiết”, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay.
Không đứng ngoài vụ việc, người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản ngày 4-5 thông báo, các tên lửa của Triều Tiên bay theo hướng Biển Nhật Bản đã không vươn tới vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
"Chúng tôi không ghi nhận được bất kỳ tên lửa nào trong vùng kinh tế của chúng tôi", quan chức này cho hay.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng chưa lên tiếng xác nhận về đợt phóng nói trên.
Động thái mới của Triều Tiên
Vụ việc sáng nay được coi là một thông điệp gửi tới Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa hai nước đang bế tắc, kể từ hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kết thúc mà không có bất cứ thỏa thuận chung nào.
Triều Tiên muốn dùng biện pháp phi hạt nhân hóa một phần để đổi lấy việc xóa bỏ các biện pháp trừng phạt. Nhưng Mỹ đã từ chối yêu cầu, khẳng định sẽ không nới lỏng các lệnh trừng phạt cho đến Triều Tiên chịu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Việc Triều Tiên phóng tên lửa ngày hôm nay diễn ra chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm quan trọng, trong đó có nhắc đến Triều Tiên. Ảnh: CNN
Đáng chú ý, việc Triều Tiên phóng tên lửa ngày 4-5 diễn ra chỉ ít lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm quan trọng "kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ" về các vấn đề nóng trên thế giới, trong đó có nhắc tới Triều Tiên. Cụ thể Tổng thống Trump đã thúc giục ông Putin gia tăng áp lực đối với Triều Tiên để đẩy nhanh quá trình tiến tới phi hạt nhân hóa.
Trước đó, hôm 25-4, Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp thượng đỉnh tại thành phố Vladivostok ở Viễn Đông Nga, gần hai tháng sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc ở Hà Nội.
Cuộc gặp của hai ông Putin-Kim được giới quan sát đánh giá là một thông điệp gửi trực tiếp tới Washington, rằng Mỹ không phải là cường quốc duy nhất có thể gây ảnh hưởng tới vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.
Sau hội nghị thượng đỉnh Vladivostok, Tổng thống Putin đã khẳng định Nga ủng hộ cách tiếp cận giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn. Điều này trái ngược với mong muốn của Mỹ rằng Triều Tiên cần nhanh chóng thực hiện "phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng" để đổi lại việc nới lỏng trừng phạt.
Trước đó, ngày 17-4, Triều Tiên cũng đã tiến hành thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật thế hệ mới dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. |