Được biết, những trường hợp bị xác định có liên quan đến tiêu cực đều đang bị cơ quan công an điều tra và phải cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Những cầu thủ không liên quan đến vụ bán độ tại AFC Cup, đều được CLB cho về nhà.
Trước đó, Văn Quyến không có tên trong danh sách tới làm khách trên sân của Kelantan (Malaysia). Tuy nhiên những ngày qua, Văn Quyến vẫn xuất hiện tại khách sạn Vissai Ninh Bình, khiến nhiều người cho rằng cầu thủ này có dính líu tới vụ bán độ.
Văn Quyến không dính líu đến vụ bán độ ở Ninh Bình
Văn Quyến trở thành tâm điểm của chú ý bởi chính anh từng là nhân vật chính trong nhóm cầu thủ bán độ tại SEA Games 2005. Nếu lại thêm một lần nhúng chàm, chắc chắn sự nghiệp của cầu thủ này sẽ chấm dứt.
Tuy nhiên, dường như đã có một bài học rất đau và đặc biệt là không có tên trong danh sách tới làm khách trên sân của Kelantan, Văn Quyến đã không liên quan tới bê bối tiêu cực lần này.
Văn Quyến đã cho biết mình không hề hay biết vụ các cầu thủ bán độ. Bản thân anh thật sự sốc khi nghe tin lãnh đạo đội bóng thông báo việc dừng thi đấu để điều tra về việc có nhiều cầu thủ tham gia bán độ ở trận đấu AFC Cup. Hơn nữa, Văn Quyến cũng khẳng định anh không có tên trong danh sách thi đấu và không được đi theo đội sang Malaysia ở trận đấu xảy ra tiêu cực đó.
“Tôi không nhận một đồng tiền nào cả. Tôi đã sai lầm một lần, không dại để dính chàm lần nữa”, Văn Quyến khẳng định.
Ở mùa giải 2014, Văn Quyến gần như không được HLV Văn Sỹ sử dụng trong đội hình thi đấu. Phải đến trận lượt về AFC Cup 2014 gặp Kelantan trên sân Ninh Bình, Văn Quyến đã được ông Sỹ tung vào sân từ phút 70 để thay thế Danh Ngọc.
Liên quan đến vụ bán độ gây xôn xao dư luận, theo nguồn tin của báo Nhân dân, hôm qua, cơ quan công an đã xác định danh tính những cầu thủ tham gia và vụ bán độ tại AFC Cup.
Theo đó, thông tin từ cơ quan công an, người chủ mưu và cầm đầu thực hiện lại chính là Trần Mạnh Dũng, đội phó của U23 Việt Nam tại SEA Games 27.
Ngày 15/3, trước chuyến làm khách tại Malaysia, Mạnh Dũng chủ động gặp gỡ thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng, 2 cầu thủ đồng hương là Lê Văn Duyệt và Lê Quang Hùng bàn bạc về việc cá độ ở trận gặp Kelantan.
Sau đó, khi sang đến Malaysia vào ngày 17/3, Mạnh Dũng lại mời các đồng đội gồm thủ môn Mạnh Dũng, Quang Hùng, Xuân Phú, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Gia Từ, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Văn Hưng, Lê Văn Duyệt họp bàn và thống nhất cá độ. Nhóm cầu thủ này cá độ theo hình thức đánh kèo “tài ba hòa”, với số tiền là 2 tỷ đồng. Trường hợp thua độ, các cầu thủ sẽ chia đều số tiền để trả, còn thắng cũng chia đều tiền.
Cơ quan điều tra cũng xác định, người nhận cá độ là Đào Đức Lợi, sinh năm 1978, trú tại An Hưng, An Dương, Hải Phòng. Ngay trước khi ra sân thi đấu, Trần Mạnh Dũng liên lạc với Lợi và đặt độ giá trị 2 tỷ đồng, nhưng Lợi chỉ chấp nhận “ôm” 1,2 tỷ đồng. Sau trận đấu, nhóm cầu thủ trên đã thắng cá độ được 800 triệu đồng. Đến ngày 19-3, khi Ninh Bình về TP. Hồ Chí Minh, Mạnh Dũng yêu cầu Lợi chuyển tiền thắng độ. Ngoài ra, sau khi Lợi chuyển tiền cho Dũng thì cầu thủ Hoàng Danh Ngọc không đi thi đấu tại Malaysia nhưng đã nhắn tin cho Trần Mạnh Dũng với nội dung biết việc Dũng cùng các cầu thủ khác tham gia cá độ bóng đá và dọa sẽ báo cáo Ban huấn luyện. Vì vậy, Trần Mạnh Dũng đã nhờ Lợi số tiền 50 triệu đồng cho Hoàng Danh Ngọc.
Với số tiền này, Mạnh Dũng nhận về mình số tiền nhiều nhất là 90 triệu đồng. Các cầu thủ còn lại gồm: Nguyễn Văn Hưng (85 triệu đồng), Lê Quang Hùng (85 triệu đồng), Lê Văn Duyệt (85 triệu đồng), Nguyễn Gia Từ (85 triệu đồng), Phan Anh Tuấn (75 triệu đồng), thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng (75 triệu đồng), Phạm Xuân Phú (75 triệu đồng), Chu Ngọc Anh (75 triệu đồng), Lê Văn Thắng (không tham gia cá độ nhưng được Trần Mạnh Dũng cho 20 triệu đồng) và Hoàng Danh Ngọc ( 50 triệu đồng).
Tỷ lệ tài ba hòa là gì? |
Về hình thức cá độ của các đối tượng là “tài ba hòa” nghĩa là dựa trên tổng tỷ số trận đấu, nếu có dưới 3 bàn thắng thì thua cá độ, nếu có 3 bàn thắng thì “hòa” - không phải trả tiền cá độ, nếu có từ 4 bàn thắng trở lên thì thắng cá độ, không phân biệt đội nào thắng, thua. |
Theo Kim Anh - An An (Dân Trí)