Theo ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP, đến cuối ngày 1-3 đã có hơn 100 doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội thực hiện mức giá cước mới, tăng từ 12,5% đến 20%, tùy theo loại hàng rời, hàng kiện, container và theo cự ly vận chuyển… “Mức tăng trên không chỉ do giá dầu DO tăng từ ngày 24-2 mà cộng cả giá các loại phụ tùng như vỏ, bình điện, nhớt và tiền công… đã tăng trước đó” - ông Dinh cho biết.
Xe khách tăng tối đa 15%
Đến cuối ngày 1-3, nhiều hãng xe khách liên tỉnh thông báo đã hoàn thành thủ tục kê khai giá vé xe đò mới. Tuy nhiên, phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT cho biết mới chỉ có 10 đơn vị hoàn thành kê khai giá vé mới, với mức tăng khoảng 7%-15% so với giá vé cũ. Sau nhiều ngày thăm dò, nhiều đơn vị vận tải ở Bến xe Miền Đông, Miền Tây, An Sương và ngã tư Ga đều cho biết mức tăng trung bình của 10 DN trên là… “chuẩn”. Do đó, trong ngày 2-3 họ sẽ đi kê khai, niêm yết giá vé mới để đến ngày 5-3 đồng loạt thực hiện.
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ nhiệm Hợp tác xã Xe du lịch Hồng Hà, nhận định: Sau khi có mức tăng giá vé từ các bến xe khách lớn, các đơn vị chuyên chạy xe hợp đồng, du lịch… mới xác định mức tăng giá cước. “Xe chạy từ các bến còn có thêm tiền cước phí hàng hóa nên mức tăng tối đa 15% là hợp lý. Riêng xe hợp đồng, du lịch chỉ thuần túy chở người nên mức tăng lên tới 20% mới bù đắp nổi chi phí” - ông Lộc nói.
Taxi tăng giá cước phải kiểm định lại đồng hồ tính tiền, bấm chì mới mới hợp lệ. Ảnh: LƯU ĐỨC
Cước taxi tăng 1.500 đồng/km
348 tỉ đồng là số tiền trợ giá tăng thêm cho xe buýt năm 2011 do giá nhiên liệu và tiền lương tối thiểu tăng. Sở GTVT đề nghị nếu TP không bổ sung số tiền trên thì cho phép Sở được tăng giá vé xe buýt. Được biết, tổng kinh phí trợ giá cho xe buýt năm 2010 (tạm tính) là 820 tỉ đồng. |
Đến nay cũng mới chỉ có hai đơn vị xe buýt chạy trên các tuyến không có trợ giá gửi thông báo sẽ tăng giá vé (loại vé từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng và loại từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng). Theo Sở GTVT, việc kê khai, thông báo giá vé mới với xe buýt không có trợ giá không được vượt quá ba lần khung giá vé đã được duyệt. Theo ông Lâm Văn Phấn, Chủ nhiệm Hợp tác xã Việt Thắng, các đơn vị xe buýt chạy trên những tuyến không được trợ giá chỉ nên tăng giá vé lên 15%-20%. Nhiều đơn vị khác cho rằng việc tăng giá vé xe buýt không trợ giá lên quá cao (không phù hợp với mức tăng xăng, dầu và các loại nguyên, phụ liệu khác) có thể dẫn đến nguy cơ hành khách tẩy chay xe buýt.
Sẽ kiểm tra chặt việc tăng giá vé Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các bến xe khách TP, cho hay: Những ngày tới các tổ công tác của ban tại các bến xe sẽ kiểm tra các đơn vị đã kê khai, niêm yết giá vé mới. Đơn vị nào có bản kê khai giá vé mới với đủ con dấu xác nhận của ba đơn vị là thuế, tài chính và Sở GTVT và trên xe có niêm yết giá vé mới thì xe của DN mới được xuất bến. Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT, các tổ, đội thanh tra sẽ kiểm tra các xe taxi thuộc các DN đã kê khai, niêm yết giá vé mới. Những xe chưa hiệu chỉnh, kiểm định lại đồng hồ và đóng chì, dán tem mới sẽ bị phạt từ 15 triệu đến 30 triệu đồng. |
L.ĐỨC - H.TUYÊN