Thậm chí họ chọn cách leo núi lên chùa, ngủ lại giữa màn trời chiếu đất để được chứng lòng thành.
Ngày 5-2, đang leo núi Bà Đen lên chùa Thượng, con trai tám tuổi của anh Nguyễn Hữu Phương (xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) bị một người chuyển hàng vô ý làm ngã gây chấn thương. Anh Phương không trách cứ gì họ, chỉ giục vợ đưa con đi bệnh viện tỉnh, còn mình và con nhỏ bốn tuổi ngồi đợi trong trạm y tế dưới chân núi. Anh cho biết từ khi con được hai tuổi, anh đã đưa các con lên núi Bà bái Phật.
Hành xác tỏ lòng thành
Chị Trần Thị Thủy cùng xã với anh Phương dẫn theo bảy đứa trẻ leo núi, bé nhỏ nhất mới ba tuổi. Mới vượt qua một con dốc, những đứa trẻ đã mệt mỏi không chịu đi. Chị Thủy cho biết: “Mình dẫn con đi cho nó biết. Người ở tỉnh xa không đi được thì phải chịu, mình ở Tây Ninh mà, phải lên núi lạy Bà chứ”.
Đường lên núi Bà phải trải qua hơn 1.000 bậc tam cấp không đến nỗi khó đi nhưng đòi hỏi sự dẻo dai. Không ít em nhỏ ban đầu thích thú nhưng được nửa đường thì mệt mỏi, rã chân, phụ huynh phải cõng. Không ít gia đình leo giữa chừng thở hổn hển, vội mua ngay cây quạt giấy để xua đi cái oi bức hoặc mắc võng cho con ngủ một lát rồi đi tiếp.
Bà Nguyễn Thị Xưa năm nay 65 tuổi vẫn cùng con cháu leo núi. Bà nói: “Người trẻ thì đi chơi hội chứ với người già thì đó là tâm linh. Nếu mình vượt qua khó khăn đến được đây thì đó là thành quả, lòng thành sẽ được chứng giám. Sau này đi không nổi nữa thì tôi mới đi cáp treo”.
Nhiều gia đình ở các tỉnh, thành khác đến hành hương đã chọn cách ngủ lại trên núi như tỏ lòng thành. Bà Lê Thị Ánh Nguyệt (67 tuổi) cùng con gái chạy xe máy từ Đồng Xoài, Bình Phước lên chùa vào lúc 6 giờ tối. Bà thuê một chiếc chiếu 20.000 đồng trải dưới mái hiên nhà khách trên chùa Thượng để ngả lưng. “Tôi đi chùa từ lúc chưa có cáp gì hết ráo. Tôi thường đi vào dịp Tết và ở lại để hưởng không khí Tết ở chùa. Tôi cũng không cầu gì hơn ngoài gia đạo bình yên, anh em thuận thảo” - bà Nguyệt nói.
Trong khi các bà vợ đi khấn vái trên núi Bà Đen thì anh Ninh ở Bình Phước (bìa phải) cùng ba người hàng xóm trông con. Ảnh: HM
Nhiều người đến sau không còn chỗ nằm đã trải chiếu ngay giữa sân nghi ngút khói nhang. Các gốc cây, ghế đá trong khuôn viên chùa Thượng trên núi không còn một khoảng trống. Chừng 9 giờ tối, gia đình anh Bùi Văn Ninh (Lộc Ninh, Bình Phước) cùng gia đình ba người hàng xóm kéo nhau trở xuống chân núi để tìm chỗ trải bạt. Anh mang theo ba đứa trẻ, nhỏ nhất hai tuổi, lớn nhất bốn tuổi đã mệt mỏi và buồn ngủ. Anh Ninh cho biết năm nào cũng rủ các gia đình cùng xóm đi rồi ở lại qua đêm. Anh nói: “Có năm tụi tôi còn đi tận dinh Thầy Thím ở Bình Thuận hoặc chùa Bà Châu Đốc ở An Giang. Mấy đứa nhỏ ngủ thì người lớn thức thâu đêm ăn uống, nói chuyện với nhau. Đi để cầu sức khỏe, bình an, tài lộc chứ nghèo khổ, yếu đuối thì sao mà làm ra tiền được” (!).
Ngất xỉu, rắn cắn, đẻ rớt… vì hành hương
Ông Bùi Văn Chính, người trực trạm cấp cứu núi Bà Đen, cho biết từ đầu tháng Giêng đến nay, trạm đã tiếp nhận 50 ca sơ cấp cứu cho khách hành hương. Theo ông Chính, số lượng bệnh nhân nhập viện do leo núi năm nay đã giảm đáng kể so với năm ngoái do đường đi được sửa sang an toàn hơn rất nhiều. Lực lượng bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, hướng dẫn, cứu hộ có mặt khắp nơi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bị ngất xỉu do đói mệt, do khách có tiền sử bệnh tim, bệnh huyết áp nhưng vẫn cố leo núi thay vì đi cáp treo. Một ca bị rắn cắn do khách này tìm đường rừng để đi.
Hàng chục năm làm việc tại đây, ông Chính cũng chứng kiến nhiều trường hợp tai nạn xảy ra. Cách đây ba năm, một du khách đến từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh có tiền sử bệnh tim nhưng vẫn quyết tâm leo núi. Khi đến cầu Gãy, cô choáng váng rồi té xuống. Ông đã sơ cứu cho cô rồi gọi xe đưa đến bệnh viện tỉnh nhưng cô đã mất sau đó tại bệnh viện. “Chùa Núi Bà ngàn du khách đến tham quan và hành hương nên khó tránh khỏi chuyện té ngã, trầy xước, mệt xỉu. Nếu du khách không chuẩn bị tốt cho chuyến đi thì hậu quả xấu hơn nhiều” - ông nói.
Cách đây hai năm, một sản phụ đã trở dạ sinh con ngay trong sân chùa Thượng trên núi. Rất may ca sinh nở vô cùng hy hữu đó đã mẹ tròn con vuông. Tuy nhiên, sau này hễ thấy sản phụ ì ạch leo núi là ông Chính lại thon thót lo lắng nhưng vì đó là niềm tin của họ nên không ai can thiệp được.
Chốn tôn nghiêm ngập rác Đường lên núi Bà Đen phải qua chùa Hạ ở chân núi, chùa Trung ở lưng chừng núi và chùa Thượng ở trên đỉnh núi. Điều đáng nói, tất cả các nơi đều ngập rác khiến lực lượng thu gom rác phải rất vất vả. Sau các bữa cơm chay miễn phí trên núi Bà Đen là khu nhà ăn ngổn ngang rác và chén bát bẩn. Nhiều gia đình mang theo bạt, lều tổ chức nhậu nhẹt, mang theo thùng loa gây ồn ào náo động. Các khu vực đất trống để người dân trải bạt đều ngập trong rác.
“Lẽ ra nơi tôn nghiêm chỉ nên để lại nét đẹp thì mọi người lại xả rác dơ bẩn, thậm chí còn ăn uống, nhậu nhẹt, đánh bài. Ở đây tôi phải chịu đựng tiếng hò hét nhậu nhẹt, mùi thức ăn bỏ thừa. Tôi cũng không hiểu có nhiều người còn cầm tờ vé số chà lên người ông thổ địa hay lấy áo Phật bà Quan Âm quẹt vào người. Tại sao giờ người cầu vé số tài lộc nhiều quá, ngày xưa mỗi người đi chùa chỉ mong cầu suôn sẻ, mùa màng trúng hay mua may bán đắt mà thôi” - bà Lê Thị Ánh Nguyệt, Bình Phước nói. ____________________________________ “Lòng thành luôn được chứng nên mọi người không nên làm quá sức khỏe của mình. Có người không đủ sức khỏe lại ráng leo núi, rồi bị bệnh ốm lại càng lo lắng. Như vậy là tự làm khổ mình.” (Một sư thầy ở chùa Thượng trao đổi với người hành hương tối 5-2) |