Hậu Giang khuyên dân không đổ xô mua hàng tích trữ

Ngày 9-7, trước thông tin nhiều người dân ở Hậu Giang bắt đầu mua hàng hóa tích trữ, ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang khẳng định địa phương đã chủ động trong dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân nên không có tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Cụ thể, bằng nguồn vốn tự cân đối, hiện nay đã có chín đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng số lượng hàng hóa hơn 8.000 tấn tương đương khoảng 200 tỉ đồng. Cạnh đó, tám huyện, thị xã, TP cũng đã triển khai xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân theo năm cấp độ phòng chống dịch với tổng giá trị ước hơn 400 tỉ đồng.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang khẳng định địa phương đã chủ động trong dự trữ hàng háo thiết yếu cung cấp cho bà con. Ảnh: BT

Đánh giá về nguồn cung và nhu cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang cho biết trên địa bàn tỉnh có một trung tâm thương mại, ba siêu thị tổng hợp, 28 cửa hàng bách hóa xanh và 72 chợ luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Trong đó, các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, khẩu trang vải kháng khuẩn, dung dịch vệ sinh, sát khuẩn,... luôn được đảm bảo.

Nói về việc sau khi Hậu Giang ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19, ngay lập tức một số người dân trên địa bàn tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang đề nghị bà con hãy an tâm vì nguồn hàng không thiếu.

“Hậu Giang đã chủ động trong tích trữ hàng hóa để phục vụ người dân, đồng thời góp phần bình ổn giá, do đó bà con không nên mua dự trữ trong lúc này. Đặc biệt đối với các mặt hàng dễ gây cháy nổ, như xăng, dầu,... bà con tuyện đối không mua dự trữ trong nhà vì sẽ dễ gây hỏa hoạn” – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang khuyến cáo.

Cũng theo ông Phong, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, các chợ, hệ thống siêu thị trong công tác phòng, chống dịch. Từ đó, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức có hiện tượng găm hàng, tăng giá gây mất ổn định thị trường, hoang mang trong dân, cản trở công tác phòng chống dịch.

Cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tiến hành cho 250 doanh nghiệp ký cam kết không tăng giá bán, niêm yết giá bán công khai. Sở Công thương tỉnh cũng thiết lập đường dây nóng để ghi nhận thông tin về giá cả trong tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm